Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô gặp không ít khó khăn. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại, nhiều HTX đã thông báo đến người dân, đề nghị giảm diện tích trồng cây nguyên liệu; mức sản xuất chỉ cũng giảm mạnh so với hàng năm.
Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, dù được chứng nhận sản phẩm OCOP “4 sao” nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, nhiều bếp ăn tập thể ngừng hoạt động, nên việc tiêu thụ sản phẩm “Gạo thơm Bối Khê” không thuận lợi như trước. “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các cơ quan, đơn vị, các sàn giao dịch điện tử để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm”, ông Kiên nói.
|
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, Thành phố là địa phương có số sản phẩm được công nhận nhiều nhất cả nước.
Trước đây, Hà Nội thường tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương cho các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá, kết nối trực tiếp tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức quảng bá trực tuyến mới chỉ phát huy hiệu quả phần nào...
Để tháo gỡ đầu ra, cho sản phẩm OCOP và chuẩn bị cho thị trường Tết Nhâm Dần, Thành phố đã đẩy mạnh các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô trong các tháng cuối năm.
Theo đó, Hà Nội đã tích cực tổ chức các hoạt động trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thuộc nhiều nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm tại nhiều trung tâm thương mại, tuyến phố, các địa điểm trung tâm ở các quận, huyện, thị xã…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong tháng 12, Sở tổ chức 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn bán hàng trực tuyến, trực tiếp các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, với thời gian 5 ngày/1 tuần, tại các trung tâm thương mại trên địa bàn các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy…
Chuỗi sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những tiện ích mua sắm, trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng Thủ đô, cũng như mở ra thêm cơ hội dành cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh.
Mới đây nhất, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), Sở NN&PTNT Hà Nội phối với Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới trung ương tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Sự kiện có quy mô 150 gian hàng của 100 đơn vị thuộc 25 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, 16 tỉnh thành khác và Thành phố Hà Nội, các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền đã được trưng bày tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ.
Các đơn vị chức năng của Hà Nội đang tích cực tổ chức xúc tiến, kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô. |
Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn nhằm thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo tiền đề cho việc thực hiện tốt kế hoạch năm 2022, các đơn vị, chủ thể phải kịp thời khôi phục hoạt động sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, sự kiện lần này với các nội dung diễn ra trong khuôn khổ sự kiện sẽ tạo điểm nhấn, khẳng định vị thế, vai trò của sản phẩm OCOP trong nền kinh tế thị trường hiện nay và trong tương lai, nhằm giúp các sản phẩm có chất lượng để người dân trong nước và quốc tế biết, nhận diện và tiêu thụ sản phẩm.
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, năm 2021 Hà Nội đã có 27/30 quận, huyện, thị xã đăng ký 581 sản phẩm tham gia, đánh giá phân hạng.
Dự kiến hết năm 2021, thành phố sẽ công nhận ít nhất trên 500 sản phẩm OCOP, đưa tổng số sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội trên 1.500 sản phẩm. Hà Nội hiện có 44 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.