Vĩnh Phúc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
Sau 25 năm tái lập, hệ thống cơ cở hạ tầng thiết yếu của tỉnh đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi và thông tin liên lạc Vĩnh Phúc đã được cải thiện một cách rõ rệt. Nhiều lĩnh vực hạ tầng vượt trội so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận.
Vĩnh Phúc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới ảnh 1

Các tuyến đường quốc lộ đều được nhựa hóa 100%; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 3 điểm lên xuống đã và đang là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đều được cứng hóa 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Các tuyến giao thông nông thôn năm 1997 mới cứng hoá đạt 2,6% đến nay đã kiên cố hóa đạt 95% và giao thông nội đồng cứng hóa đạt 65%. Các tuyến giao thông quan trọng được hình thành, nâng cấp và mở rộng như: Đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; Đường Hợp Thịnh - Đạo Tú; Hợp Châu - Đồng Tĩnh; Văn Quán đi Sông Lô; Tây Thiên - Tam Sơn; Đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Tây Thiên; Đường Tây Thiên - Bến Tắm; Đường vành đai 3; Đường QL2 đi cầu Phú Hậu;… Các tuyến đường hướng tâm cơ bản đã hoàn thành. Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hạ tầng cung cấp điện thường xuyên được đầu tư nâng cấp, 100% số xã đạt tiêu chí số 4 về điện theo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các công trình cấp nước sạch được quan tâm đầu tư, qua đó nâng tỷ lệ dân cư đô thị loại IV trở lên được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 92% vào năm 2021. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải từng nước được quan tâm đầu tư; nhiều tuyến kênh tiêu đã được đầu tư nạo vét; triển khai đầu tư, cải tạo hệ thống rãnh thoát nước thải khu vực nông thôn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng đã kiên cố hóa 100% kênh loại I, II và 98% kênh loại III,....

Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư từng bước hoàn thiện. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện; tỷ lệ dân số đô thị khoảng 46%; nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc như: Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản-Nhi Vĩnh Phúc; khu công viên giải trí thành phố Vĩnh Yên; khu công viên cây xanh các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc; nâng cấp, sửa chữa hạ tầng các khu du lịch Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải; đường giao thông kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; cầu Đầm Vạc; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B…

Về xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới từ năm 2011; huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 36 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 01 huyện được thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Vĩnh Tường), 2 huyện hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Tam Dương và Tam Đảo), có 20-22 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP.

MỚI - NÓNG