Chiều 30/11, tại khu tập kết lưu trữ hàng hóa ở Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội), lực lượng liên ngành gồm Cục phòng chống tội phạm và buôn lậu (C74)-Bộ Công an, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội và Đội 4, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành mở kho kiểm đếm toàn bộ số hàng lậu mới thu được.
Tại thời điểm kiểm tra, các chủ hàng đã xuất trình nhiều hóa đơn giá trị gia tăng nhưng qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại hóa đơn không được đăng ký với Cục thuế, các hóa đơn trên không có số tài khoản ngân hàng, mã số thuế.
Bước đầu, lực lượng chức năng đã xác định toàn bộ số hàng trên có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.
Bà Phạm Thanh Bình, Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết hiện nay nhiều đối tượng đã lợi dụng việc nhà nước cho phép doanh nghiệp được quyền tự in hóa đơn, nhưng phải đăng ký với ngành thuế để hợp thức hóa trong việc buôn lậu.
Vụ việc điển hình trên cho thấy, đây là một thủ đoạn buôn lậu mới, có nhiều đối tượng tham gia và hình thức buôn lậu cũng ngày càng tinh vi.
Được biết, trong tháng 11/2015, Ban chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các nhóm hàng, ngành hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán.
Đồng thời, tăng cường đấu tranh với các đối tượng buôn lậu lớn, các đầu lậu, ổ nhóm buôn lậu và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.
Tính đến ngày 27/11, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã thanh, kiểm tra 4.289 vụ; tổng số vụ xử lý là 2.111 vụ; trong đó hàng cấm nhập lậu là 196 vụ; hàng giả, kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ là 91 vụ, gian lận thương mại: 1.730 vụ.
Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu, trị giá hàng chưa bán, trị giá hàng tiêu hủy là 263,39 tỷ đồng trong đó phạt hành chính, truy thu thuế, tiền bán thanh lý hàng tịch thu là 261 tỷ đồng; trị giá hàng chưa bán là 1,42 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy là 915 triệu đồng.
Bên cạnh các kết quả đạt được trên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn ra phức tạp do nhu cầu người dân trong dịp cuối năm tăng cao và hoạt động sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước về giá cả, mẫu mã hàng hóa. Vẫn còn tồn tại một số tụ điểm về buôn lậu, buôn bán hàng giả; khu vực bến xe, ga tàu, kho tàng, bến bãi, làng nghề, chợ đầu mối… được tập kết từ đó phân phối, xé lẻ vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ.
Do vậy, trong những tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh điện thoại di động, điện tử tin học và đồ gia dụng; kiểm tra, kiểm soát mặt hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; mặt hàng quần áo, vải may mặc, giày dép, túi xách và đồ da; kiểm tra mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo.
Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, phát hiện những vấn đề bức xúc nổi cộm để có biện pháp xử lý kịp thời.