Theo lãnh đạo này, hiện Tổng cục đường bộ Việt Nam đang trực tiếp xuống tập huấn, hướng dẫn, cài đặt các phần mềm cấp đổi GPLX qua mạng cho Sở GTVT Hà Nội. Công việc này xong lúc nào, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai cấp đổi cho người dân lúc đó. Phòng cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hà Nội tại số 2 Phùng Hưng (Hà Đông) sẽ là địa chỉ triển khai trước tiên.
Về thủ tục cấp đổi GPLX qua mạng, vị lãnh đạo này cho biết, khi người dân có nhu cầu sẽ truy cập vào trang thông tin điện tử (website sẽ được Sở GTVT Hà Nội công bố rộng rãi địa chỉ khi triển khai) để kê khai thủ tục. Thông tin kê khai bao gồm: tên, tuổi, nơi cư trú, số chứng minh nhân dân, số giấy phép lái xe… Sau khi đã điền hết thông tin, hệ thống sẽ xác nhận hồ sơ có hợp lệ không. Nếu hợp lệ, chậm nhất sau 3 ngày người dân sẽ được cấp một mã số (tương tự tích kê) hẹn đến làm việc.
Khi đến làm thủ tục cấp đổi, người đăng ký chỉ cần mang GPLX cũ, hồ sơ gốc, chụp ảnh tại chỗ và ngồi chờ khoảng 2 giờ là có GPLX mới. Trong trường hợp đến muộn hoặc không đến theo đúng lịch hẹn, người có nhu cầu sẽ phải đặt lịch. Mỗi tích kê người dân được phép đặt lại lịch hẹn 2 lần. Về mức lệ phí khi người dân thực hiện cấp đổi qua mạng, lãnh đạo Sở GTVT cho biết vẫn giữ nguyên như hiện nay là 135.000 đồng/trường hợp.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục đường bộ Việt Nam, GPLX vật liệu giấy hiện nay có độ an toàn không cao, dễ bị làm giả, nhái. Số liệu báo cáo của các Sở GTVT địa phương cho thấy, trong năm 2014 đã có 3.500 GPLX làm giả, nhái bị phát hiện, thu giữ. Các địa phương có số lượng GPLX giả, nhái bị thu nhiều nhất là Đồng Nai: 163 giấy, Long An: 133 giấy, Cần Thơ: 128 giấy, Hà Nội: 59 giấy…