Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đang giao cho Thanh tra giao thông rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng tại 25 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố.
Xe giường nằm của nhà xe Minh Mập đeo biển "Xe hợp đồng" dừng đỗ, đón khách tại số 699 đường Giải Phóng thời gian qua. |
Tuy nhiên, qua quá trình đi rà soát, làm việc, đoàn kiểm tra đã phát hiện có 11 doanh nghiệp vận tải có xe hoạt động theo hình thức hợp đồng không có hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh. Khi liên lạc, đặt lịch làm việc theo số điện thoại kinh doanh thì không liên lạc được.
11 doanh nghiệp này được đoàn công tác của Thanh tra Sở thống kê, gồm: Công ty cổ phần Gonow Group; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vĩnh Hà; Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại NTS Việt Nam; HTX Dịch vụ du lịch và vận tải Sông Lam; Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ du lịch Hoà Phát; Công ty cổ phần ATV An Thịnh Vượng; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và du lịch Tấn Tài; Công ty TNHH Thương mại du lịch và vận tải An Thịnh; Công ty cổ phần Limousine Huy Hoàng; Công ty cổ phần ECON Việt Nam; HTX thương mại Anh Dương.
Từ thực tế này, Sở GTVT Hà Nội giao Phòng Quản lý vận tải tạm dừng cấp đổi, cấp mới phù hiệu “Xe hợp đồng” đối với các phương tiện của 11 đơn vị nêu trên. Cùng với đó, kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải hành khách của các đơn vị; ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải nếu phát hiện các đơn vị nêu trên không còn hoạt động kinh.
Trong những ngày vừa qua, Tiền Phong đã đăng tuyến bài với nhan đề “Nhức nhối xe hợp đồng trá hình”. Loạt bài đã phản ánh việc nhiều xe có phù hiệu hoạt động theo hình thức hợp đồng, trong đó có các xe dòng limousine và xe giường nằm nhưng hoạt động, đón trả khách như hình thức tuyến cố định trên nhiều tuyến phố nội đô. Ngoài gây rối loạn giao thông trên các tuyến đường, tình trạng này còn khiến nhà nước thất thu thuế, phí.