Hà Nội sẽ đầu tư thêm Trung tâm văn hoá thể thao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - UBND thành phố Hà Nội dự kiến xin chủ trương từ Thành uỷ, có báo cáo HĐND thành phố cho chủ trương, bố trí nguồn vốn xây dựng các Trung tâm Văn hoá thể thao huyện, thị xã còn thiếu, xuống cấp.

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, về thiết chế văn hoá thể thao cấp huyện, hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã thành lập đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao theo Quyết định 6966 ngày 19/12/2016 của UBND thành phố trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Văn hoá (nhà văn hoá), Trung tâm thể dục thể thao và Đài truyền thanh.

Về số lượng, đến ngày 31/3/2022, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, toàn thành phố có 57 thiết chế văn hoá, thể thao/30 quận, huyện. Riêng quận Nam Từ Liêm hiện chưa có thiết chế cấp huyện.

Cụ thể, theo số liệu, có 25 nhà văn hoá cấp huyện. 5 đơn vị chưa có gồm huyện Chương Mỹ, huyện Mê Linh, huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hoà và quận Nam Từ Liêm. Trong khi đó, quận Hoàng Mai có 3 Trung tâm Văn hoá.

Toàn thành phố có 26 Trung tâm Thể dục thể thao cấp huyện. 2 đơn vị chưa có là quận Hai Bà Trưng và quận Nam Từ Liêm. 3/30 đơn vị có Tổ hợp Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao gồm quận Đống Đa, huyện Đông Anh và huyện Quốc Oai.

Về quy mô, hiện có 52% số Trung tâm thể dục thể thao quận, huyện có diện tích dưới 10 nghìn mét vuông; khoảng trên 30% có diện tích từ 10 nghìn đến dưới 20 nghìn mét vuông, còn lại có diện tích trên 20.000 mét vuông.

Cụ thể, các Trung tâm thể dục thể thao quận, huyện nói trên có các hạng mục như sau: 24 nhà thi đấu, 4 nhà luyện tập, 17 sân vận động có khán đài, 9 sân bóng đá, 19 bể bơi (trong đó 10 bể bơi 50 mét, 9 bể bơi 25 mét); hội trường trung tâm, khu văn phòng, các phòng chức năng và các khu phụ trợ khác...

Trong phần kiến nghị, UBND thành phố cho biết có kế hoạch xin chủ trương của Thành uỷ, HĐND thành phố về bố trí nguồn vốn xây dựng các Trung tâm Văn hoá thể thao huyện, thị xã còn thiếu, xuống cấp.

Cũng theo UBND thành phố, UBND cấp quận, huyện, thị xã cần quan tâm, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các Trung tâm văn hoá thể thao cấp huyện đảm bảo đồng bộ, hiện đại; có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa Trung tâm văn hoá cấp xã, nhà văn hoá thôn, tổ dân phố bị hư hỏng, xuống cấp.

Mới đây, trong kế hoạch triển khai chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030 trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội cũng nêu, giai đoạn đến 2025, toàn bộ các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hoá thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hoá hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng.

Tại phiên giải trình của HĐND thành phố Hà Nội mới đây về hiệu quả đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hoá trên địa bàn thành phố, đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đặt câu hỏi cho lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm về việc quận là đơn vị duy nhất thuộc thành phố chưa có thiết chế văn hoá cấp huyện.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Cường, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm xác nhận, quận là đơn vị duy nhất trên địa bàn thành phố chưa có Trung tâm Văn hoá thể thao. Tuy nhiên, việc này, theo ông Cường là phù hợp quy định và có lý do hợp lý.

Cụ thể, ông Cường cho biết, sau khi thành lập, quận đã quan tâm, tập trung đầu tư toàn bộ tất cả các thiết chế văn hoá, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo hướng, những thiết chế văn hoá sát người dân, gần người dân sẽ tập trung đầu tư.

Theo ông Cường, khi thành lập, quận có 121 tổ dân phố, quận đã đầu tư cơ bản hoàn thành nhà văn hoá tổ dân phố nói trên. Hiện nay, quận có tăng thêm 10 tổ dân phố nữa, đang tập trung đầu tư nhà văn hoá với các tổ dân phố này. Quận cũng triển khai đầu tư nhà văn hoá cấp phường cho 10 phường thuộc quận.

Chủ tịch quận Nam Từ Liêm cho biết, năm 2018, thành phố có chủ trương cho quận thực hiện dự án Trung tâm văn hoá ở khu đất thuộc phường Xuân Phương, quận đã hoàn thành xong các công tác chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Cường, trong quá trình nghiên cứu, xem xét, đánh giá mức độ cần thiết cũng như nhu cầu sử dụng của quận, thì thấy toàn bộ thiết chế văn hoá cấp phường, cấp tổ dân phố thuộc địa bàn quận đã cơ bản hoàn thành.

Hơn nữa, trên địa bàn quận cũng có 2 đơn vị rất lớn là Trung tâm Thể thao quốc gia và Trung tâm thể dục thể thao Hà Nội.

"Toàn bộ sự kiện của quận về văn hoá, thể thao đều được sự hỗ trợ của hai đơn vị này, cả về cơ sở vật chất và điều kiện tổ chức rất tốt", ông Cường nói, đồng thời cho biết, liên quan đến việc đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hoá của quận, UBND quận sẽ trình Thường trực, Thường vụ Quận uỷ, HĐND quận để có căn cứ, xem xét trong thời gian tới.

Về việc các đơn vị khác đang khai thác, sử dụng ô đất được quy hoạch làm Trung tâm văn hoá của quận, ông Cường cho biết, sân bóng mini đã bị dừng hoạt động gần 1 năm nay. Còn đối với khu vực hoạt động rửa xe, trong vòng 10 ngày kể từ phiên giải trình, quận sẽ xử lý triệt để.

Trước đó, như phản ánh của báo Tiền Phong, nhiều thiết chế văn hoá thể thao cấp huyện trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng khá lớn đã nhiều năm, nhưng đến nay hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, thậm chí nhiều công trình đang bị hoang hoá, xuống cấp nghiêm trọng như Sân vận động huyện Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) hay tổ hợp Sân vận động, nhà hát huyện Đan Phượng.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.