Hà Nội sẽ báo cáo 'Đề án cây xanh' lên Thủ tướng

Nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đốn hạ, di chuyển.
Nhiều cây xanh ở Hà Nội bị đốn hạ, di chuyển.
TPO - Chiều 24/3, tại cuộc họp giao ban báo chí, ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy đã họp với Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội làm rõ trách nhiệm vụ việc chặt hạ cây xanh; đồng thời sẽ sớm báo cáo đề án “cải tạo, thay thế cây xanh” lên Thủ tướng, Ban Bí thư.

Tại cuộc họp, các báo tiếp tục truy lãnh đạo Ban Tuyên giáo về 21 câu hỏi mà lãnh đạo Thành phố chưa trả lời tại cuộc hộp báo trước đó. Ông Long cho biết, thực chất chỉ có 20 câu hỏi, còn 1 câu là góp ý.

Những câu hỏi này, Thành phố đã giao Sở Xây dựng trả lời, sở này sẽ trả lời từng báo theo nội dung câu hỏi báo nêu, chứ không họp báo trả lời chung.

Trước dư luận nóng phản đối việc chặt hạ cây xanh ồ ạt và những nghi vấn được báo chí nêu như việc thay thế cây không đúng chủng loại (thay vàng tâm bằng cây mỡ...), ông Long cho biết: Dư luận bức xúc trước việc thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh thời gian qua là có lý do chính đáng.

Do cơ quan thực hiện đã lựa chọn cách làm không phù hợp, không lường trước những hệ quả do việc làm của mình gây ra; có sự nôn nóng và giản đơn. Tuy nhiên, chủ trương cải tạo, thay thế cây là đúng đắn.

“Việc thay thế hàng loạt cây tại một tuyến phố, trong đó có những cây xà cừ cổ thụ - mục tiêu là để tạo ra một tuyến phố đẹp, cây đồng nhất, dẫn đến nhiều cây bị chặt hạ cũng gây phản ứng của dư luận. Như vậy là đơn vị thực hiện đề án còn giản đơn, nôn nóng; báo cáo đề án chưa rõ, dẫn đến khi thực hiện dư luận phản ứng, không đồng tình. Đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi dư luận đặt ra...” – Ông Long cho biết.

Thường trực Thành ủy đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ những thiếu sót, khuyết điểm. Trước mắt, thực hiện việc dừng cải tạo, thay thế cây để đánh giá, rà soát, hoàn thiện tất cả các quy trình, thủ tục liên quan; phân loại để có căn cứ quyết định cây nào cần thay thế, cây nào để lại, hạn chế đến mức thấp nhất việc thay những cây đã trồng. Để xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra vụ việc này. Sai phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc đến đó.

“Thành phố luôn cầu thị nên đã tạm dừng đề án; đồng thời lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân để tạo sự đồng thuận cao. Thành phố cũng sẵn sàng điều chỉnh đề án cho phù hợp hơn, ví dụ chặt hàng loạt cây xà cừ cổ thụ để thay thế hoàn toàn cây mới cũng không nên, mà chỉ thay những cây bị sâu, cây có nguy cơ đổ gẫy thì mới thay” – ông Long cho hay.

Phân trần về phát ngôn bị dư luận phản ứng “chặt cây xanh không phải hỏi dân”, ông Long nói: Khi trả lời bên lề một số báo, tôi nói rằng không phải việc gì cũng hỏi dân, vì có những việc đã có đề án trình Hội đồng nhân dân Thành phố rồi, tức là đã thay mặt dân rồi thì không phải hỏi nữa. Tuy nhiên, dân vẫn có quyền giám sát những việc ấy; dân có quyền góp ý và Thành phố luôn sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh đề án.

Tại cuộc họp, Lãnh đạo chi Cục quản lý đê điều Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời gian qua trên địa bàn quận đã xử lý 412 xe quá tải, quá khổ và hàng trăm trường hợp vi phạm, băm nát nhiều tuyến đê trên địa bàn Thành phố.

Bức xúc trước nạn vi phạm an toàn đê không bị xử lý nghiêm, ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chi cục quản lý đê điều Hà Nội kiến nghị cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, thậm chí xử lý hình sự đối với xe quá tải, quá khổ vi phạm đi vào các tuyến đê.

 
MỚI - NÓNG