Hà Nội: Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ thành điểm nhấn văn hoá của cả vùng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 27/4, UBND Thị xã Sơn Tây tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về khai mạc năm Du lịch Sơn Tây- Xứ Đoài, khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây vào tối 30/4.

Theo lãnh đạo Thị xã Sơn Tây, ngày 30/4, thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - Xứ Đoài và khai trương Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, hoạt động thí điểm vào 2 ngày thứ 7 và Chủ Nhật. Ban ngày, về đêm đều có các chương trình hoạt động sôi động, hấp dẫn.

Đêm khai mạc sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ hấp dẫn theo khu vực, như múa quốc tế cùng 5- 6 điểm không gian biểu diễn khác; trung tâm nhà thi đấu, nhà thiếu nhi với các hoạt động thể thao, văn nghệ, múa sạp, trò chơi dân gian, giao lưu với nghệ sĩ...

Hà Nội: Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ thành điểm nhấn văn hoá của cả vùng ảnh 1

Ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây thông tin về khai mạc năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: PV

Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn tuyến phố đi bộ của thành phố Hà Nội, hướng tới việc phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhịp điệu, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần.

Phạm vi hoạt động của tuyến phố đi bộ gồm phố Phó Đức Chính - Phan Chu Trinh - Nguyễn Thái Học với điểm đầu là cổng cũ UBND thị xã và điểm cuối là ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học với chiều dài 820m; tổng diện tích khoảng 34.550m2.

Các hoạt động chính diễn ra trên tuyến phố đi bộ gồm hoạt động thể thao đường phố, nghệ thuật; dân vũ quốc tế, ký hoạ, thư pháp, cờ người, nhạc nhóm...Ngoài ra còn có khu vực ẩm thực, khu vực chợ hoa, khu vực trưng bày sinh vật cảnh vỉa hè, khu vực triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, đồ gốm sứ…

Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây thông tin, đây là năm đầu tiên tổ chức năm Du lịch Sơn Tây-xứ Đoài và phố đi bộ theo Nghị quyết Thành uỷ về phát triển văn hoá kinh tế- xã hội và du lịch.

Hà Nội: Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ thành điểm nhấn văn hoá của cả vùng ảnh 2

Một góc phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Ảnh: PV

Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài tập trung khai thác tiềm năng du lịch văn hoá kết hợp với các điểm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, vui chơi trên địa chỉ và các vùng lân cận.

Những quần thể văn hóa tiêu biểu như Thành cổ Sơn Tây, đền Và, chùa Mía, Lăng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Sơn Tây ... cùng khu du lịch Đồng Mô với sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam và hệ thống các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn sẽ là những điểm đến thăm quan, nghỉ ngơi của đông đảo du khách.

Để tổ chức tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, ông Khánh cho biết, Thị xã đã đi học tập các mô hình phố đi bộ tại nhiều tỉnh, thành phố và phố đi bộ Hoàn Kiếm.

Với đặc trưng phải thu hút khách đến phố đi bộ, ông Khánh cho biết, hiện nay, các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, sân golf… ở các vùng lân cận đều kín phòng, tiềm năng rất lớn cho phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây.

Thị xã hướng tới việc kết nối với các địa danh, địa điểm du lịch lân cận như Thạch Thất, Ba Vì, thậm chí cả với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) với định hướng có khu vui chơi, đi bộ, giải trí cho du khách.

Thị xã sẽ làm việc với Tổng Cty vận tải Hà Nội để xem xét mở rộng các tuyến xe buýt kết nối đến các địa điểm du lịch, khuyến khích các đơn vị đầu tư xe điện kết nối giữa các địa điểm như Làng cổ Đường Lâm, các khu nghỉ dưỡng với phố đi bộ.

Về tổ chức phố đi bộ, ông Khánh cho biết, sẽ phân chia cụ thể các khu vực được kinh doanh, buôn bán theo từng nhóm hàng để tiện quản lý và tránh ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Các hộ kinh doanh khu vực phố đi bộ đều được kiểm soát, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm…

“Chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, sau này du khách sẽ đến với Sơn Tây nhiều hơn, làm Thị xã sôi động hơn. Chúng tôi có kế hoạch bố trí từng vị trí, chương trình ở các sân khấu theo chủ đề hàng tuần, hàng tháng, gửi cho các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch để hấp dẫn du khách, công khai trên các phương tiện thông tin để tạo điều kiện các đơn vị có thể xây dựng các tour, tuyến du lịch đến với Sơn Tây”, ông Khánh nói.

MỚI - NÓNG
Đà Nẵng: Cửa hàng SJC mở cửa, vì sao khách ôm vàng thất vọng ra về?
Đà Nẵng: Cửa hàng SJC mở cửa, vì sao khách ôm vàng thất vọng ra về?
TPO - Sáng nay (10/10), hai cửa hàng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Đà Nẵng đã mở cửa, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa thể giao dịch. Đại diện cửa hàng cho biết: "Chúng tôi mở cửa để người dân tới hỏi thông tin có thể trả lời trực tiếp, hướng dẫn họ tới mua bán ở một số cửa hàng gần nhất".