Vào 8 giờ sáng nay (2/3), hầu hết các điểm quan trắc không khí ở Hà Nội của Đại sứ quán Mỹ đều ở ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), một số điểm ở ngưỡng đỏ (ngưỡng có hại). Đáng chú ý, điểm đo tại Tây Hồ có chỉ số chất lượng không khí lên mức nguy hại (mức nguy hiểm nhất với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà).
Hệ thống quan trắc chất lượng không khí Pam Air cũng ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở hơn 80 điểm đo tại Hà Nội đều ở ngưỡng rất có hại, một số điểm đo lên ngưỡng nguy hại như điểm đo tại thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội (Cầu Giấy), Trung tâm Sao Mai (quận Thanh Xuân), điểm đo trường mầm non thực hành Hoa Sen (Ba Đình).
Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cũng ghi nhận ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng tím.
Theo dự báo của trên trang web công bố chất lượng không khí của đại sứ quán Mỹ, tình trạng ô nhiễm không khí có thể kéo dài trong nhiều ngày tới ở Hà Nội. Mức độ ô nhiễm sẽ phổ biến ở ngưỡng có hại và rất có hại cho sức khỏe con người.
Hà Nội ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng trong hôm nay. |
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng và có thể kéo dài, các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Các chuyên gia đặc biệt lưu ý, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5. Người ra đường nên sử dụng các loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi mịn, thay vì khẩu trang thông thường.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn như tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều năm qua được xác định do tổng hợp của nhiều nguồn ô nhiễm như giao thông, sản xuất, xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Trong đó, đốt rác, đốt rơm rạ được coi là nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm vì có khả năng phát thải lượng bụi mịn rất lớn cũng như các chất độc khác.
Trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hoạt động đốt, Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho nghị định 55 năm 2021) quy định hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính bị phạt tiền 2,5-3 triệu đồng.