Hà Nội: Những dự án 'đèn vàng'

Việc quy hoạch quá nhu cầu sử dụng khiến nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội phải bỏ hoang.
Việc quy hoạch quá nhu cầu sử dụng khiến nhiều dự án bất động sản ở Hà Nội phải bỏ hoang.
UBND TP. Hà Nội đã ra “tối hậu thư” với chủ đầu tư các dự án bất động sản chậm triển khai trên địa bàn. Nhiều dự án sẽ bị thu hồi, nếu tiếp tục “án binh bất động”.

Điểm mặt dự án đứng trước nguy cơ bị thu hồi

Như PV đã đề cập trong bài viết “Rà soát dự án bất động sản: Sóng ngầm đã nổi” số 113, ra ngày 19/9/2014, nhiều nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội đang đặt mình vào thế khó, khi bỏ vốn vào các dự án chưa đủ thủ tục triển khai.

Cũng có trường hợp, chủ đầu tư đăng ký xin giao đất thực hiện dự án, nhưng sau nhiều năm không triển khai cũng phải đối mặt với khả năng bị thu hồi.

Trong danh sách dự án vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội cảnh cáo và đề xuất UBND TP. Hà Nội gia hạn từ 6 đến 12 tháng để chủ đầu tư hoàn tất thủ tục triển khai có nhiều dự án lớn, như Khu biệt thự sinh thái tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) của công ty cổ phần Du lịch thương mại Cổ Loa; Dự án Khu hỗn hợp 55 Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) của công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7); Dự án Khu nhà ở cán bộ nhân viên Vicoston tại Khu dân dụng Bắc Phú Cát, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất do công ty cổ phần Vicostone là chủ đầu tư; Dự án Khu nhà ở Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội, tại thị trấn Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội do công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội 68 làm chủ đầu tư...

Cụ thể, Dự án Khu biệt thự sinh thái tại thị trấn Đông Anh (có diện tích 5.747 m2), được cấp phép đầu tư năm 2011, nhưng đến nay, vẫn chưa triển khai. Dự án này được Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất gia hạn thêm 6 tháng để hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng tài sản trên đất.

Dự án Khu hỗn hợp 55 Lê Đại Hành (có quy mô hơn 1.924 m2) được giới thiệu là một khu tổ hợp chung cư, thương mại và văn phòng cao 19 tầng. Dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2009, nhưng đến nay, vẫn... để trống. Dự án cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội gia hạn thêm 6 tháng. Dự án Khu nhà ở cán bộ nhân viên Vicoston có thời hạn triển khai từ quý I/2011 đến quý I/2014, nhưng đến nay, vẫn chưa “động đậy”...

Trong danh sách này còn có các dự án Khu nhà ở Xuân Đỉnh tại quận Bắc Từ Liêm (có diện tích 1.171 m2) do công ty cổ phần Thi công cơ giới xây lắp là chủ đầu tư; Tòa nhà văn phòng của công ty Duy Nguyên (diện tích 1.885 m2) tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy); Khách sạn, văn phòng của công ty cổ phần Diệp Linh tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; Khu nhà ở tại Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của công ty cổ phần Sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu…

“Hạn chót” cho chiến dịch rà soát

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại cuộc họp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã về việc báo cáo kết quả rà soát tổng thể các dự án khu đô thị mới và dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố mới đây.

Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã phải tổ chức rà soát, tổng hợp, báo cáo số liệu và chịu trách nhiệm về tiến độ, số liệu; đề xuất việc xây dựng khớp nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, dự án cần được điều chỉnh, các dự án phải dừng, thời gian hoàn thành muộn nhất vào ngày 5/10/2014.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội, tổng số dự án Vành đai 2 của Hà Nội đến Vành đai sông Nhuệ là khoảng 750. Trong đó có hơn 200 dự án, đồ án nằm trong Vành đai xanh sông Nhuệ thuộc diện hạn chế xây dựng.

Trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện tại buổi làm việc về công tác thúc đẩy rà soát dự án trên địa bàn TP. Hà Nội, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc rà soát tổng thể các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội nhằm minh bạch hóa thông tin về thị trường bất động sản của Hà Nội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn thành phố.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng cảnh báo 14 quận, huyện gồm Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Hà Đông, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín và Phú Xuyên chưa có báo cáo về việc rà soát.

Các địa phương phải hoàn tất việc rà soát dự án trước ngày 5/10/2014. Nếu UBND TP. Hà Nội thực hiện đúng cam kết, các chủ đầu tư chỉ còn rất ít thời gian để hoàn tất thủ tục đầu tư và có được giấy phép xây dựng dự án.

Theo Hà Quang

Theo Báo Đầu Tư
MỚI - NÓNG