Sáng 13/8, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của HĐND thành phố, qua kết quả giám sát, có hàng trăm dự án chậm triển khai trên địa bàn, vi phạm luật đất đai.
“Sau đợt giám sát vừa qua, còn nhiều dự án chậm triển khai, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa. Việc này cần phải được UBND thành phố và các sở, ngành, quận huyện, báo cáo, giải trình trước nhân dân, nói ra nguyên nhân và đề ra biện pháp. Để các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải thấy rõ trách nhiệm của mình, chấp hành các quy định của pháp luật”, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu tập trung đặt câu hỏi với Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, xử lý các dự án chậm triển khai này. Thậm chí, có các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng qua thời gian vẫn không được thực hiện. Có hay không vấn đề nể nang, né tránh, không xử lý.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam thông tin, nhiều chủ đầu tư vẫn tái phạm, ngay cả trong khu vực nội thành. Ông Nam nhắc tên một số dự án ở Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, Lò Đúc của một số doanh nghiệp, đặt vấn đề có hay không sự nể nang, né tránh ở đây.
Theo ông Nam, ở đây không có vướng mắc gì về quy hoạch, về vấn đề tài chính. Có những dự án nằm án binh bất động, có dự án để lãng phí, trở thành bãi trông giữ xe, gây mất an ninh trật tự. Cần phải xem lại, rà soát lại.
“Đây chắc chắn không phải chủ đầu tư không có năng lực tài chính. Họ rất có năng lực tài chính. Phải chăng chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm của mình để đôn đốc họ. Chúng ta ưu tiên, nể nang các nhà đầu tư. Phải chăng như vậy?”, ông Nam đặt vấn đề.
Trả lời ý kiến các đại biểu, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm tiến độ, như việc chuyển tiếp giai đoạn từ 2012 - 2017 có nhiều chính sách thay đổi, trong đó có chính sách về giải phóng mặt bằng.
Cũng có nguyên nhân chủ đầu tư không quyết liệt trong phối hợp để tháo gỡ chính sách giải phóng mặt bằng mới. Trong khi đó, giai đoạn 2012 - 2015 thị trường bất động sản trầm lắng, các chủ đầu tư khó huy động vốn, kêu gọi đầu tư, giải ngân.
Bên cạnh đó, theo ông Đông, sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, nhiều dự án phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Ngoài ra, cũng phải phù hợp với một số điều luật như Luật Đê điều, quy hoạch không xây nhà cao tầng ở 4 quận nội đô lịch sử.
Ông Đông cũng cho biết, có nguyên nhân chủ quan đến từ các cấp, các ngành trong việc hậu kiểm, việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm chưa được quyết liệt.
Ông Đông cho biết, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành rà soát lại toàn bộ, với các dự án đã chậm tiến độ 5 – 10 năm, kiên quyết không cho gia hạn. Với các dự án đã có quyết định thu hồi đất, sẽ kiên quyết thu hồi.