Từ ngày 18/6 đến 5/7, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai việc kiểm tra, rà soát để xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh. Theo đó, 100% giáo viên của Hà Nội đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam sẽ tham dự kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá theo chuẩn quốc tế IELTS.
Giáo viên sẽ thực hiện bài kiểm tra IELTS gồm kỹ năng nghe - đọc - viết. Kết quả được Sở sử dụng làm căn cứ phân loại, xếp lớp đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên.
Từ năm 2020 đến năm 2025, bình quân cách 1 năm giáo viên lại được tham gia đợt bồi dưỡng để tiếp tục nâng chuẩn (tùy theo kết quả cụ thể đạt được của từng giáo viên). Mục tiêu tiến tới năm 2025, toàn ngành GD&ĐT Hà Nội có trên 50% giáo viên các cấp học có trình độ nghe - nói tiếng Anh từ 6.5 IELTS trở lên.
Sau đó theo lộ trình sẽ tổ chức đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho toàn bộ giáo viên đã được rà soát. Việc kiểm tra, rà soát nhằm xếp lớp đào tạo nâng chuẩn quốc tế, trang bị kỹ năng, năng lực, rèn luyện khả năng phản xạ, đồng thời tăng sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Giáo viên tham gia lớp đào tạo được hỗ trợ toàn bộ kinh phí, giảm thời gian giảng dạy tại trường.
Hà Nội đã thông tin đến các đơn vị để có sự chuẩn bị từ năm 2019. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác nhau về việc rà soát này. Một số giáo viên cho rằng, có giáo viên đã có bằng thạc sĩ nước ngoài, có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên nhưng phải tham gia rà soát lần này là không hợp lý.
Bà Ngọc Thị Hoa, chuyên viên Ngoại ngữ, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, ở góc độ chuyên môn, những người đã có bằng cấp trên cả IELTS, học thạc sĩ nước ngoài về không cần rà soát nữa. Những người chỉ có chứng chỉ thì mỗi lần kiểm tra lại đều không thừa. Về việc này, Sở GD&ĐT đã thông báo từ năm học trước, giáo viên có thời gian để chuẩn bị.
Theo bà Hoa, việc rà soát, bồi dưỡng giáo viên là cần thiết. Giáo viên đã đạt chuẩn cần được tập huấn cả phương pháp giảng dạy. Khi đi dự giờ, kiểm tra thấy có giáo viên nhiều tuổi “đuối” hơn giáo viên trẻ. Điều này dễ hiểu vì trước đây họ được đào tạo theo phương pháp cũ nên kiến thức tốt nhưng khả năng nghe, nói không thể tốt bằng thế hệ giáo viên trẻ sau này.
“Khi đội ngũ giáo viên có năng lực tốt, tăng giờ học lên, trình độ của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt. Có thể thấy, học sinh tiểu học hiện nay nghe - nói tốt hơn học sinh lớp 9 cách đây 10 năm”, bà Hoa nói.