Chiều 2/3, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, đại diện lãnh đạo một quận ở Hà Nội cho biết đã mắc COVID-19 mấy ngày nay. “Mình bị đau rát họng, ho nhiều. Ở nhà nhưng nếu có việc cần thiết vẫn xử lý trực tuyến”, vị này nói. Một lãnh đạo quận khác cũng cho biết, bản thân đang là F1 vì có người trong gia đình là F0, nhưng nguy cơ thấp nên vẫn đến trụ sở để giải quyết công việc.
“Tôi đến cơ quan là đóng cửa phòng, xử lý công việc thôi, chứ không họp trực tiếp được”, vị này chia sẻ. Thông tin với phóng viên, đại diện các quận nêu trên đều cho rằng, hiện nay lực lượng phòng, chống dịch ở cơ sở, gồm các nhân viên y tế, lực lượng chức năng thuộc chính quyền đều có các ca mắc COVID-19, cá biệt có những nơi số ca mắc chiếm phần lớn, “trắng” lực lượng, gây sức ép rất lớn đến công tác phòng, chống dịch.
“Hiện dịch bệnh ở khắp nơi. Lực lượng phòng chống dịch bị nhiều, người dân cũng bị nhiều nên rất khó khăn. Rất nhiều nơi gặp khó khăn, đặc biệt là về nhân lực. Chúng tôi cũng vẫn tiếp tục huy động lực lượng y tế tư nhân, bác sĩ về hưu tham gia phòng, chống dịch, nhưng họ cũng bị mắc nhiều rồi. Nhiều người rất có trách nhiệm nhưng họ cũng mệt mỏi vì thời gian kéo dài quá. Lực lượng đang bị hụt đi rất nhiều”, đại diện lãnh đạo một quận nói.
Người dân xếp hàng tại Trạm Y tế phường Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) để được xác nhận là F0. Ảnh: TP |
Ngày 2/3, theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phòng, chống dịch, con số này chưa phản ánh chính xác thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, bởi nhiều người dân hiện có tâm lý không khai báo khi mắc bệnh bởi nhiều thủ tục liên quan. Hiện nay, thủ tục khai báo, xác nhận là F0, xác nhận khỏi bệnh ở nhiều nơi thực hiện rất khác nhau. Nhiều xã, phường yêu cầu phải ra trực tiếp trạm y tế, nhiều nơi chỉ cần thực hiện qua mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết, quận đã áp dụng khai báo, xác nhận trực tuyến từ rất lâu. Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hoà cho biết, hiện quận cũng áp dụng triệt để công nghệ thông tin để bù đắp những “hao hụt về mặt nhân sự khi nhân viên y tế mắc COVID-19”. Theo ông Hoà, phải triệt để áp dụng công nghệ để “người dân đỡ khổ và chính quyền cũng đỡ khổ”.