Hà Nội lo ngại xây dựng tuỳ tiện ở các huyện sắp lên quận

Một công trình vi phạm ở huyện Hoài Đức
Một công trình vi phạm ở huyện Hoài Đức
TPO - Thường trực HĐND Hà Nội cảnh báo diễn ra tình trạng xây dựng tùy tiện, không có hình ảnh kiến trúc đặc trưng, đặc biệt tại 92 xã/05 huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh. 

Thường trực HĐND Hà Nội vừa có báo cáo đợt giám sát quy hoạch xây dựng tại Hà Nội.

Theo đó, đối với các huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh như Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh trì đã được phê duyệt đề án lên quận, các quy hoạch đã được lập và phê duyệt trước đây như Quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn các xã thuộc huyện đến nay nhiều điểm không còn phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển từ huyện lên quận, từ xã lên phường như về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch, tính đặc thù 5 huyện, về dân số.

Trong khu vực phát triển đô thị tại 5 huyện, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và quy hoạch chi tiết khu dân cư hiện có, nằm trong các quy hoạch phân khu đô thị chưa được triển khai đồng bộ với các dự án phát triển đô thị tiếp giáp xung quanh, dẫn đến những bất cập trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý theo quy hoạch trong tương lai gần, khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận. 

Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch tại 5 huyện hiện nay đang có bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thực hiện, chưa có định hướng tổng thể, chi tiết phù hợp thực tiễn yêu cầu quản lý trong tương lai khi chuyển tiếp phân cấp quản lý từ huyện thành quận.

 Ngoài huyện Thanh Trì có 100% diện tích nằm trong khu vực phát triển mở rộng đô thị trung tâm, còn 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, nhiều xã có một phần diện tích đất nằm trong khu vực phát triển đô thị và một phần diện tích nằm ngoài vùng phát triển đô thị, việc rà soát điều chỉnh quy hoạch tại các xã này chưa có định hướng, hướng dẫn cụ thể. 

 Theo Thường trực HĐND thành phố, hầu hết các huyện chưa cắm được mốc giới quy hoạch, đặc biệt là mốc giới phân ranh giữa khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoài đô thị, gây khó khăn cho công tác quản lý cấp giấy phép xây dựng tại địa phương.

 Hạ tầng xã hội bao gồm cả khu vực đô thị và khu vực ngoài đô thị như trường học, nhà trẻ - mẫu giáo, chợ, nhà văn hóa, làng nghề, cụm công nghiệp... chưa được thể hiện đầy đủ trong quy hoạch về vị trí, chức năng, quy mô và nhiều địa điểm chưa phù hợp về bán kính phục vụ người dân, nhất là trong các khu vực làng xóm có quy mô diện tích lớn, quỹ đất bị hạn chế vì dành cho các chức năng khác. 

 Hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả khu vực đô thị và khu vực ngoài đô thị, đặc biệt là mạng lưới đường thoát nước thải trong các khu dân cư làng xóm trong quá trình đô thị hóa nhanh, song quy hoạch còn sơ sài, hoặc thậm chí bỏ trống đối với khu dân cư hiện có.

 Hệ thống di tích lịch sử văn hóa và cảnh quan môi trường thiên nhiên trong các khu vực làng xóm dân cư, hiện có rất nhiều địa điểm có giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, xã hội đặc trưng của mỗi khu vực nông thôn truyền thống (đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng hoặc chưa được xếp hạng), nhưng chưa được thể hiện đầy đủ ở các đồ án để làm cơ sở  pháp lý cho các tổ chức được giao nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo. Do vậy, tình trạng lạm dụng lấn chiếm, hủy hoại các giá trị vật thể nêu trên vẫn diễn ra, các biện pháp giải quyết chưa hữu hiệu.

 Thường trực HĐND thành phố cũng cho biết, hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ một số khu vực cá biệt thì hầu hết các huyện chưa có những hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn.

 "Do vậy, xu hướng tự phát sẽ vẫn diễn ra, tình trạng xây dựng tùy tiện, không có hình ảnh kiến trúc đặc trưng, đặc biệt tại 92 xã/05 huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh", báo cáo nhận định. 

MỚI - NÓNG