Hà Nội:

Thanh Trì làm gì để lên quận vào năm 2020?

Là huyện vừa đạt chuẩn NTM, Thanh Trì còn nhiều việc phải làm để đạt tiêu chí quận năm 2020.
Là huyện vừa đạt chuẩn NTM, Thanh Trì còn nhiều việc phải làm để đạt tiêu chí quận năm 2020.
TPO - Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì cho biết, để đạt được mục tiêu lên quận vào năm 2020, một số chỉ tiêu huyện sẽ rất khó khăn, đặc biệt là về xây dựng hệ thống hạ tầng khung.

Chiều 4/12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban báo chí thông tin về tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của huyện Thanh Trì.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết, năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt 7.486 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2017; tổng thu ngân sách ước đạt 1.850 tỷ đồng, bằng 106% so với dự toán HĐND thành phố giao.

Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 đề án rau và lúa. Đến nay, diện tích lúa BT09 và Thiên ưu trên địa bàn huyện chiếm 92% tổng diện tích gieo cấy; duy trì gieo trồng và cấp lại giấy chứng nhận cho 140,5ha trồng rau an toàn và 50ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP...

Huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới và đang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 48,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 81,6%...

Liên quan tới Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận vào năm 2020, ông Đặng Đức Quỳnh cho biết, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận vào năm 2020; phân công rõ trách nhiệm các thành viên, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tạo đà phấn đấu xây dựng huyện thành quận vào năm 2020.

Hiện nay, Thanh Trì đã xây dựng xong Đề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận vào năm 2020. Ban Thường vụ Huyện ủy đã thông qua và đề án đã được trình Sở Nội vụ. Đề án này đang được lấy ý kiến các sở, ngành. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy trình.

Được biết, cùng phấn đấu tiêu chí trở thành quận nội thành năm 2020 còn có huyện Gia Lâm, Đông Anh và Hoài Đức, đến nay các huyện còn lại đều đã được UBND thành phố phê duyệt đề án lên quận. Trả lời báo Tiền Phong, ông Quỳnh cho biết, đề án mới gửi lên Sở Nội vụ Hà Nội, còn chờ Sở Nội vụ lấy ý kiến các ban ngành liên quan rồi mới đưa về huyện để triển khai. Thực tế, một số chỉ tiêu huyện rất vất vả mới có thể đạt được, đặc biệt là về xây dựng hệ thống hạ tầng khung. “Nếu đề án được thông qua, bên cạnh hỗ trợ của thành phố, huyện sẽ phải huy động tối đa nội lực mới có thể kịp phát triển thành quận vào năm 2020”, ông Quỳnh nói.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.