Nhà đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án mở rộng đường Vành đai 2 bên dưới và xây dựng đường trên cao vừa có báo cáo Sở GTVT Hà Nội tiến độ thi công. Theo đó, hiện dự án đã cơ bản hoàn thành xong các hạng mục thi công và có thể thông xe, đưa vào sử dụng vào dịp cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023. Cùng với đó, nhà đầu tư dự án cùng với các đơn vị có liên quan cũng đã có phương án tổ chức phân luồng giao thông trình Sở GTVT Hà Nội xem xét, phê duyệt để triển khai khi tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng thông xe.
Đường Vành đai 2 trên cao dẫn đến nút giao thông Ngã Tư Sở ùn tắc giờ cao điểm và đang trở thành "điểm đen" ùn tắc mới tại Hà Nội. |
Từ thực tế giao thông khi đường trên cao Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở thông xe năm 2020, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, đã gây khó khăn cho giao thông ở 2 đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng khi có lượng lớn phương tiện từ đường trên cao đổ dồn về 2 nút, gây quá tải, phát sinh “điểm đen” ùn tắc. Do vậy, sau khi tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở thông xe, đã có tình trạng đường dự án thông nhưng lại phát sinh ùn tắc ở 2 đầu nút giao.
“Với nút Ngã Tư Sở, ùn tắc đã xảy ra kéo dài sang đường Láng, Tây Sơn và Nguyễn Trãi. Cả Sở GTVT và Công an thành phố trong 2 năm qua đã đưa ra nhiều phương án tổ chức lại giao thông, cử lực lượng túc trực thường xuyên tại đây đến nay trật tự giao thông mới được duy trì trở lại”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Cho ý kiến về phương án tổ chức giao thông ở đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng dự kiến thông xe sắp tới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết: Không chỉ dự án đường Vành đai 2 trên cao mà tất cả các công trình sắp thông xe, đưa vào sử dụng, nếu không có giải pháp tổ chức giao thông bài bản, khoa học sẽ tạo áp lực cho giao thông trên toàn hệ thống, trong đó có tuyến đường, nút giao trong khu vực.
Với dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng , Sở GTVT đã tham mưu cho thành phố và khảo sát trên thực địa để đưa ra phương án tổ chức giao thông tối ưu nhất.
“Mục tiêu của Sở GTVT và các cơ quan chuyên môn làm sao đường trên cao thông xe nhưng Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở không bị “dồn cục” phương tiện, gây phát sinh các điểm đen ùn tắc mới”, ông Thường nói.
Phải tổ chức giao thông tổng thể mới thông xe
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đưa ra các thông số tính toán đã được khảo sát, thống kê ở hiện trường: Hiện khổ đường Láng theo tính toán của Tư vấn chỉ đáp ứng khả năng thông hành là khoảng 3000 CPU (lưu lượng xe được máy tính đo đếm khi thông hành). Thế nhưng hiện nay, lưu lượng phương tiện từ hướng đường trên cao Vành đai 2 trên cao đổ vào đường Láng đã là khoảng 8000 CPU - vượt tải hơn gấp đôi.
“Nếu thông xe đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy chạy về Ngã Tư Sở mà không có phương án tổ chức giao thông hợp lý, tính toán, khảo sát để đưa ra phương án phù hợp với thực tế hạ tầng cho cả khu vực thì đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng thông chỗ này, nhưng tắc cho chỗ kia”, ông Thường nói.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn từ đề xuất của nhà đầu tư cần có khảo sát, đánh giá thực tế, đưa ra phương án tổ chức giao thông khoa học, phù hợp, có tính toán tác động cho cả khu vực, các tuyến đường xung quanh. Thực hiện xong phương án này, lập được phương án tổ chức giao thông tổng thể tuyến đường trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, mới đủ điều kiện thông xe.
Với mục tiêu giải quyết ùn tắc và hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, ngày 22/4/2018, UBND thành phố Hà Nội đã khởi công dự án tuyến đường trên cao đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở và kết hợp với mở rộng mặt đường dưới thấp. Dự án bao gồm hai hợp phần xây dựng, gồm tuyến đường trên cao vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (dài 5,1km) và mở rộng đường dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng (dài 3,1). Với tuyến đường trên cao được xây mới hoàn toàn, rộng 19 mét; Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.500 tỷ đồng được nhà đầu tư đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư BT.