Hà Nội: Kiến nghị 'đòi' lại các ô đất bỏ hoang để xây trường học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quận Hoàng Mai đề nghị thành phố chỉ đạo Tổng công ty HUD bàn giao cho quận 7 ô đất để đầu tư trường học công lập, 5 ô đất thứ phát đề nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai…

Chiều 29/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai về tình hình phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 9 tháng năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm và giải ngân vốn đầu tư công.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu của quận ước thực hiện 9 tháng năm 2022 đạt trên 30.567 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách trên địa bàn quận 9 tháng ước đạt 3.127 tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán.

Hà Nội: Kiến nghị 'đòi' lại các ô đất bỏ hoang để xây trường học ảnh 1

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: PV

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản 9 tháng đầu năm chưa cao, tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm còn gặp khó khăn. Nhiều ô quy hoạch trường học, bãi xe của các dự án ngoài ngân sách được thành phố giao nhiều năm chậm triển khai. Quận tồn tại 39 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm muộn kéo dài, để hoang hoá mặc dù quận đã có nhiều văn bản đôn đốc, báo cáo thành phố chỉ đạo tháo gỡ.

Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy chủ, xác định nguồn gốc đất, nhiều trường hợp mua bán chuyển nhượng sau tháng 7/2014 và chuyển nhượng không đúng quy định, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Nêu khó khăn về thiếu trường học, ông Tâm cho biết, mỗi năm trên địa bàn quận tăng từ 4.000 - 5.000 học sinh. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng thiếu trường lớp, gây áp lực lên hạ tầng. Quận hiện thiếu 10 trường mầm non, hơn 10 trường tiểu học. Hiện, quận đang tập trung khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp.

Ông Tâm đề nghị đẩy nhanh tiến độ với 3 dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của thành phố nhằm góp phần phát triển cho quận: Dự án tuyến đường xung quanh AEON Hoàng Mai; điều chỉnh nguồn vốn dự án tuyến đường Tam Trinh, đã được Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2018; phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường liên quan từ đê sông Gạo đến đê sông Hồng, là tuyến đường nối tạo động lực cho quận Hoàng Mai…

Về các ô đất xây dựng trường học, quận đề nghị thành phố chỉ đạo Tổng công ty HUD bàn giao cho quận 7 ô đất để đầu tư trường học công lập, 5 ô đất thứ phát đề nghị thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai…

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nêu ý kiến, sĩ số học sinh của khối mầm non đến THPT của quận Hoàng Mai đều vượt quá sĩ số trung bình trong một lớp. Trung bình là 50 học sinh/lớp, có lớp 60 học sinh/lớp, đều vượt tiêu chuẩn sĩ số lớp theo quy định. Vì vậy đối với dự án, ô đất Tổng công ty HUD không triển khai được cần bàn giao lại cho quận để triển khai.

Kết luận buổi làm việc, về những khó khăn quận nêu liên quan thiếu trường học, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Sở GD&ĐT quan tâm, có tham mưu, đề xuất thành phố về cơ chế, quy chuẩn đặc thù về mô hình trường học phù hợp với địa bàn quận. Đồng thời, quận Hoàng Mai tập trung nguồn lực để tháo gỡ dần áp lực về số lượng trường học, mô hình trường lớp.

Chủ tịch UBND thành phố cũng mong muốn quận quan tâm hơn đến quản lý trật tự đô thị bởi Hoàng Mai là địa bàn đông dân cư, dân số đông và tốc độ đô thị hóa nhanh. Đồng ý với các kiến nghị của quận Hoàng Mai, Chủ tịch thành phố giao các sở, ngành cùng phối hợp với quận để cùng tháo gỡ các vướng mắc, cùng vì sự phát triển Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong mới đây, lãnh đạo phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm 2012, phường có khoảng 33.000 người. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, đến nay, dân số phường này đã tăng gấp 3 lần (gần 100.000 người).

"Dân số tăng nhanh chóng mặt kéo theo hàng loạt hệ lụy mà phường Hoàng Liệt gặp phải như ùn tắc nghiêm trọng các nút giao thông ra vào bán đảo Linh Đàm, thiếu trường lớp cho trẻ đến trường", vị này nói.

Theo vị này, nguyên nhân là do chỉ trong thời gian ngắn, các chung cư cao tầng mọc lên như nấm trên địa bàn. Hiện, theo thống kê, phường có 85 toà chung cư, tập trung chủ yếu ở bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Pháp Vân. Điển hình như 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân.

“Dân số 12 tòa HH trong bán đảo Linh Đàm gần bằng 2 phường bình thường của thành phố Hà Nội, trong khi hạ tầng không thay đổi dẫn đến mọi thứ đều quá tải”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt nói.

Với 85 tòa chung cư trên địa bàn, tổng dân số trên địa bàn phường Hoàng Liệt khoảng trên dưới 100.000 người, mỗi năm trên địa bàn có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non, nên sức ép về trường lớp trên địa bàn rất lớn.

“Nghịch lý nằm ở chỗ, chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán kiếm tiền. Còn 12 lô đất quy hoạch trường học quây tôn nhiều năm qua, để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt thông tin.

.

MỚI - NÓNG