Chủ tịch Hà Nội nghiêm cấm can thiệp, tác động vào xử lý vi phạm giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có văn bản yêu cầu tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Theo văn bản, tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn thành phố tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2019; giảm số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhất là về số người chết do tai nạn giao thông. Cụ thể, xảy ra 408 vụ, làm 223 người chết, 242 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2021 tăng 52 người chết; trong đó có 9 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, làm 18 người chết, 1 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 3 người chết.

"Tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, chất có cồn; tình trạng vi phạm về tốc độ, nhất là trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường ngoài khu vực đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; các phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quá khổ, quá tải, “cơi nới” thùng xe vẫn còn lén lút hoạt động, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng", văn bản nêu.

Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị gương mẫu thực hiện, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân vi phạm và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu, tập thể liên quan.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện, người lái xe hoạt động vận tải chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của phương tiện, không “cơi nới” thành, thùng xe và vận động các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có phương tiện vận tải vi phạm kích thước thùng xe tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt.

Công an thành phố và Sở GTVT được giao nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy; người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về tốc độ; chủ phương tiện, lái xe vận tải hàng hóa vi phạm chở hàng quá khổ, quá trọng tải, “cơi nới” thành, thùng xe.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu thông báo về cơ quan, đơn vị đối với các trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước hoặc thông báo về địa phương nơi công dân cư trú để xem xét, xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

“Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm”, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.

MỚI - NÓNG