Hà Nội không nên vội vã xây thêm tượng đài

Nhiều đại biểu đề xuất, trong khi xây mới tượng đài khác, nên di dời tượng đài Cảm tử cạnh Hồ Gươm. Ảnh: T.Toan
Nhiều đại biểu đề xuất, trong khi xây mới tượng đài khác, nên di dời tượng đài Cảm tử cạnh Hồ Gươm. Ảnh: T.Toan
TP - Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội không nên vội vã xây thêm tượng đài một cách tràn lan cả khu trung tâm và ngoại thành, nên di dời, nâng cấp một số tượng đài hiện có để tăng công năng sử dụng, giá trị nghệ thuật…

Sáng 3/12, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, chủ trì hội thảo lấy ý kiến dự thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng là cơ quan tư vấn.

  

Ths.KTS Trần Gia Lượng, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội, nói rằng, Hà Nội hiện có 34 tượng đài, đều ở quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, 3 quận khác và 9 huyện chưa có.

“Trong thời gian tới, các tượng đài sẽ được đặt trong không gian công cộng đô thị ở Hà Nội như cửa ngõ thành phố, hệ thống trung tâm đô thị. Chúng tôi đề xuất nghiên cứu phân bố hệ thống tượng đài trên thành phố hài hòa theo không gian phát triển đô thị, nghiên cứu mảng chủ đề phù hợp với đặc trưng Hà Nội, có giải pháp về cơ chế quản lý và nguồn lực đầu tư xã hội hóa có tính khả thi”, KTS Lượng nói.

Chuyên gia của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia chỉ ra, đề tài tượng đài hiện tại chủ yếu là lãnh tụ, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, liệt sỹ, thiếu mảng tác phẩm văn học nghệ thuật tầm cỡ hay mảng gắn với đời sống đương đại. Ngoài xây mới, các chuyên gia đề xuất di dời, nâng cấp một số tượng đài để tăng chất lượng. Đến năm 2030, Hà Nội có 69 tượng đài, trung bình mỗi năm xây mới 2 công trình.

Chưa xứng tầm văn hóa

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội nói: “Đơn vị tư vấn bám rất sát không gian, viễn cảnh Hà Nội, nhưng đây là quy hoạch đa ngành, gắn với lịch sử địa phương, đặc biệt là gắn với văn hóa. Ở đây, khái niệm về văn hóa chưa đạt đến tầm”. Theo ông, phải giải quyết vấn đề cụ thể, về tượng đài Lý Thái Tổ, phải có cuộc thi hoành tráng, vị trí đặt ở đâu cũng hội thảo nhiều lần. Tượng đài Thánh Gióng không phải chỉ hợp cảnh quan mà phải nghiên cứu lịch sử, truyền thuyết, phong thủy...

KTS Đào Ngọc Nghiêm không tán thành mục tiêu đô thị nào cũng phải có một tượng đài, cào bằng đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, thị trấn. “Các anh nêu tượng đài phải mang bản sắc Thăng Long, cái này bàn mãi rồi, chẳng lẽ xây ở Sơn Tây phải mang dấu ấn Thăng Long à? Tuy nó hòa đồng nhưng không phải khái niệm văn hóa Thăng Long bao trùm văn hóa xứ Đoài”, ông nói. 

GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, nên có sự đánh giá chắc chắn về hiệu quả xã hội, thẩm mỹ về các công trình tượng đài Hà Nội đã đầu tư. “Phải làm thật rõ cảm thức, tâm thức của người Việt Nam-không có thói quen hưởng thụ nghệ thuật hoành tráng ngoài phố, nên không thể bắt chước châu Âu nhiều. Quy hoạch này phải mang tính mềm mại, không nên duy ý chí bao cấp. Nền tảng xây dựng dự án phải là văn hóa”, ông nói.

Đồng quan điểm, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, kỳ vọng bản quy hoạch cần mềm hơn, nên so sánh nhiều hơn là khẳng định. Ông cho rằng, ý tưởng xây dựng các tượng đài ở cửa ô khá phiêu lưu.

 “Câu chuyện xây dựng biểu tượng ở cửa ngõ thủ đô không làm nhanh được, không nên khăng khăng như thế. Hà cớ gì mà mỗi cửa ô, mỗi đô thị phải có tượng đài?”, ông nói. 

Với những tượng đài sẵn có, ông cho rằng, nên di dời tượng đài Hà Nội mùa đông năm 1946 vì nó không hợp với kiến trúc, chắn với vỉa hè của chợ Đồng Xuân, sai về công năng, thừa thãi về mặt tác phẩm. Trong khi đó, tượng đài Quang Trung được đầu tư công sức về mỹ thuật, văn hóa nhưng hiệu quả kết nối với cộng đồng chưa cao vì cảnh quan chưa hợp lý. 

Sắp tới, Hà Nội có thể bỏ hàng rào, bỏ bớt cây xanh thấp che khuất tầm nhìn, giúp tượng đài có không gian mở như tượng đài Lý Thái Tổ. Tượng đài Ngọc Hồi có ba mũi tên rất đẹp, hiện chỉ cần “vặt bỏ” hai cột phía ngoài thì đẹp tầm cỡ thế giới, ông Lân nhận định.

Trao quyền quản lý cho cộng đồng?

Một chuyên gia kiến trúc nghệ thuật khác nói, tượng đài dành cho thế hệ tương lai nên cần tầm nhìn về nghệ thuật và công năng sử dụng với cộng đồng cư dân. Tượng đài phải là tài sản của cộng đồng thì mới tồn tại được, cuộc sống hiện đại cần không gian cho người dân. Tượng đài là biểu tượng nghệ thuật nên phải hấp dẫn. 

Về điều này, KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, kinh nghiệm quý báu nhất Việt Nam học hỏi được về tượng đài khi sang nước ngoài là trao quyền quản lý tượng đài cho cộng đồng, không phải Nhà nước thích đặt đâu thì đặt.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc nói rằng bản quy hoạch chưa rõ, trong khi kinh phí chi cho các quy hoạch đến năm 2020 sắp duyệt xong. Như thế, gần như không thể có kinh phí thực hiện. Tất nhiên, ngoài ngân sách thành phố, các chuyên gia ủng hộ xã hội hóa. Một số chuyên gia cũng nói, cần xem xét, hạn chế số lượng để phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam.

Có ý kiến phải di dời tượng đài Cảm tử cạnh đền Bà Kiệu, vì có tượng đài mới ở vườn hoa Vạn Xuân, hơn nữa vị trí này không phù hợp với không gian Hồ Gươm. Ông Trương Minh Tiến phân trần, thành phố từng có ý định chuyển về Bảo tàng Hà Nội, nhưng không tìm được vị trí. Hà Nội đang lúng túng, chưa biết di dời đi đâu, thành phố giao cho Sở Xây dựng xử lý.


MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.