Hà Nội khai hội xuân ở Hoàng thành, bảo tàng

Hà Nội khai hội xuân ở Hoàng thành, bảo tàng
TP - Một trong những hoạt động nổi bật của Hà Nội dịp xuân Bính Thân 2016 là chương trình Tết Việt gồm nhiều hoạt động hướng về Tết truyền thống, diễn ra từ 29/1 đến 3/2 tại Bảo tàng Hà Nội.

Tết Việt có hơn 200 gian hàng được chia thành nhiều khu: Khu làng nghề truyền thống Hà Nội, khu dành cho các doanh nghiệp nghề truyền thống, khu ẩm thực, khu dành cho các nhà tài trợ, khu quảng bá văn hóa du lịch Hà Nội, khu cây cảnh Tết, khu trò chơi dân gian.

“Khác biệt của Tết Việt với các hội xuân: Người đến bảo tàng sẽ thấy tổ hợp công trình kiến trúc nhà Trường Lang, cổng làng Mông Phụ - hồn cốt đồng bằng Bắc bộ”, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nói. Ông nói thêm, BTC mời họa sỹ Mạnh Đức chuyên thiết kế các phim lịch sử, cổ trang lo phần thiết kế và tái hiện không gian Bắc bộ này. BTC mời nghệ nhân nấu cỗ Ánh Tuyết đến giới thiệu, hướng dẫn mâm cỗ truyền thống. PGS.TS Trần Lâm Biền, chuyên gia mỹ thuật cổ thuyết trình về bàn thờ gia tiên, bàn thờ tổ nghề ở khu vực 36 phố phường. Các nghệ nhân làng nghề Ước Lễ cũng được mời đến giám sát, tư vấn cho nhóm thi gói bánh chưng - đội ngũ những người bảo tồn di sản và người dân cùng tham gia.

Đêm giao thừa, tại các điểm bắn pháo hoa trên 30 quận huyện thị xã đều có chương trình biểu diễn nghệ thuật. Bốn chương trình lớn diễn ra tại các địa điểm quen thuộc như Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, trung tâm quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây và trước cửa sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tuần phim mừng Đảng, mừng xuân khai mạc tại rạp Kim Đồng ngày 28/1, kéo dài đến 3/2. Nhà triển lãm Đinh Tiên Hoàng có triển lãm ảnh mừng Đảng mừng xuân Bính Thân từ 1-15/2.

Hoàng thành Thăng Long tiếp tục là điểm hẹn văn hóa của Thủ đô, khai mạc chương trình xuân sáng 29/1. Ngoài các triển lãm Tết Việt, Ảnh di sản Việt Nam, triển lãm hoa và cây cảnh nghệ thuật, người dân đến Hoàng thành có thể ngắm nhiều hiện vật mới phát lộ trong các cuộc khảo cổ gần đây. Các hoạt động này kéo dài hết 29/2. Các hoạt động trình diễn: Làm tranh Đông Hồ, gói bánh chưng, trình diễn nấu cỗ truyền thống trong ngày 31/1. Từ 11-16/2 là thời gian dành cho các hoạt động biểu diễn âm nhạc dân gian, rối nước.

Chương trình vui xuân tại bảo tàng Dân tộc học hai ngày 13, 14/2, có sự hợp tác của Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum. Công chúng tiếp cận một số nét văn hóa Tây Nguyên từ phi vật thể như cồng chiêng tới ẩm thực: gỏi lá Tây Nguyên, rau rừng, gà nướng, cá suối chiên, rượu cần.

MỚI - NÓNG