Hà Nội duy trì chốt trực ở khu dân cư: Lo ảnh hưởng hoạt động kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Người dân Thủ đô đi cắt tóc ngày 21/9 khi thành phố nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ trên địa bàn. Ảnh: Duy Phạm
Người dân Thủ đô đi cắt tóc ngày 21/9 khi thành phố nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ trên địa bàn. Ảnh: Duy Phạm
TP - Một trong những nội dung Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành tối 20/9, là thành phố vẫn duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố, kiểm soát chặt di biến động của người dân. Nhiều chủ cửa hàng trong các khu vực này cho rằng, việc còn chốt sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.

Theo Chỉ thị 22, từ 6h ngày 21/9, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 của Thủ tướng và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng. Nhiều hoạt động được mở trở lại, trong đó có dịch vụ cắt tóc, gội đầu. Các cửa hàng ăn, uống trên địa bàn thành phố được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày.

Ghi nhận của phóng viên trong sáng 21/9, nhiều người dân Thủ đô kéo đến các tiệm cắt tóc, gội đầu sau thời gian dài giãn cách xã hội. Hầu hết các cửa hàng hoạt động hết công suất, đặc biệt là những cửa hàng cắt tóc trên phố Đặng Tiến Đông, Tô Hiệu, Hoàng Hoa Thám.... Có cửa hàng, khách phải chờ hàng tiếng đồng hồ để đến lượt cắt tóc.

Anh Sơn, chủ một hiệu cắt tóc trên phố Khương Thượng bắt đầu mở cửa hàng đón khách từ 7h30 sáng. “Hai tháng giãn cách xã hội không mở cửa hàng nên cũng không có thu nhập. Ngày đầu mở lại mở sớm hơn mọi khi 30 phút. Tôi cũng giới hạn chỉ có hai khách cắt tóc và hai khách chờ nhằm đảm bảo giãn cách”, anh Sơn nói, đồng thời cho biết, lượng khách ngày 21/9 đông hơn khoảng 30-50% so với những ngày hoạt động trước giãn cách.

Ngay sau khi Hà Nội ban hành Chỉ thị 22, nhiều ý kiến lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Anh L.D, chủ một quán kinh doanh đồ uống giải khát trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ, theo Chỉ thị 22, thành phố vẫn duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố, kiểm soát chặt di biến động của người dân. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến cửa hàng của anh khi mở cửa trở lại để bán hàng mang về. “Các chốt trực này đều kiểm soát chặt người ra, vào để đảm bảo phòng, chống dịch. Với một khách hàng bình thường muốn vào mua cốc nước mang về, phải khai báo, trình bày để qua chốt khiến họ cũng e ngại”, anh D. nói.

Không chỉ anh D., nhiều chủ cửa hàng, hàng quán kinh doanh ăn uống được phép bán mang về trên địa bàn thành phố cũng đều có tâm lý lo lắng như vậy.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, đại diện lãnh đạo một quận trên địa bàn thành phố cho biết: “Hiện nay theo quy định, việc mua bán hàng hóa, đồ ăn, uống đều phải quét mã QR, khai báo y tế tại cửa hàng… Nếu đáp ứng đủ điều kiện về phòng, chống dịch thì cửa hàng mới được hoạt động. Khách hàng phải đảm bảo các yêu cầu cần thiết về phòng, chống dịch như khai báo y tế, quét mã QR. Nếu không thực hiện được việc này, thì lực lượng trực chốt có thể không cho vào”.

MỚI - NÓNG