Sáng nay (28/6), với trên 95% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Cụ thể, ngoài các công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng trên đất bị lấn, chiếm, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cấp điện, nước với công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt…
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Luật Thủ đô sửa đổi. Ảnh: Như Ý. |
Về cải tạo, chỉnh trang đô thị, UBTVQH đã cho rà soát các trường hợp cần thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị để bảo đảm không trùng lặp; bỏ quy định giao UBND thành phố tổ chức bán nhà ở cũ; giao HĐND quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố.
Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, UBTVQH đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này.
Đáng lưu ý, về thử nghiệm có kiểm soát, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người.
Lần sửa đổi này cũng đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng. Trên cơ sở đó, HĐND Thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm.
Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn việc miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm trong trường hợp đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Riêng các quy định sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025: Việc quản lý, sử dụng không gian ngầm; thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; việc thử nghiệm có kiểm soát; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/6 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất cắt điện nước các công trình vi phạm.
Theo ông Thanh, đây là vấn đề “cực kỳ bức xúc”. Ông ví dụ trong một khu chung cư, có một vài hộ cố tình vi phạm, không coi trọng mạng sống của người khác và chính mình. Vì mạng sống của những người còn lại, có xử lý cắt điện nước được không?”, Chủ tịch Hà Nội nêu vấn đề.
Với các công trình nhà xây vượt tầng, không có phòng cháy chữa cháy, ông Thanh cho rằng, cách tốt nhất để dừng lại vi phạm là cắt điện nước, không thi công khi dân chưa vào ở.