Hà Nội đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh, xe bồn: Ai đang 'xé rào' cho doanh nghiệp?

Quy định của thành phố Hà Nội, lắp biển quảng cáo mặt trong lan can để đảm bảo an toàn, nhưng các biển quảng cáo của Vinasing trên cầu vượt đã lắp ở mặt ngoài Ảnh: A.Trọng
Quy định của thành phố Hà Nội, lắp biển quảng cáo mặt trong lan can để đảm bảo an toàn, nhưng các biển quảng cáo của Vinasing trên cầu vượt đã lắp ở mặt ngoài Ảnh: A.Trọng
TP - Trước việc UBND thành phố Hà Nội cho phép Cty CP thương mại và truyền thông Vinasing (Cty Vinasing) thực hiện quảng cáo trên 45 cầu vượt không qua đấu thầu (Tiền Phong đã phản ánh trong chuyên đề ngày 18/9), chiều qua (18/9) đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, đây là việc làm trái quy định và gây bất bình đẳng trên thị trường quảng cáo. Sở VHTT&DL Hà Nội thì cho hay, chủ trương thí điểm lắp đặt quảng cáo trên cầu vượt này đã được Bộ Xây dựng nhất trí...

Trái luật, trái quy chế của chính Hà Nội   

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, việc quảng cáo hiện nay tại Hà Nội đang thực hiện theo Luật Quảng cáo và Quy chế Quản lý quảng cáo số 01 được thành phố Hà Nội ban hành năm 2016. Với lĩnh vực quảng cáo trên hệ thống cầu vượt, ông Trần Hùng cho biết, ngoài các quy định trên, khi cấp phép và thực hiện lắp đặt biển quảng cáo đơn vị cấp phép và còn phải thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lắp đặt biển quảng cáo ngoài trời do Bộ Xây dựng ban hành.

Theo các quy định này, cụ thể là Điều 13 Quy chế Quản lý quảng cáo số 01 của UBND thành phố Hà Nội, việc lắp đặt biển quảng cáo tại các cầu vượt hoặc đường hầm dành cho người đi bộ chỉ được chỉ được phép lắp đặt bằng quảng cáo tấm nhỏ tại vị trí mặt trong cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ. “Vậy nhưng, hiện nay tại các cầu vượt trên địa bàn Hà Nội đang xuất hiện tình trạng lắp đặt biển quảng cáo tại vị trí mặt ngoài cầu vượt dành cho người đi bộ. Đây là việc làm trái luật, trái cả quy chế do thành phố Hà Nội ban hành, gây bất bình đẳng trên lĩnh vực quảng cáo”, ông Trần Hùng khẳng định.

Đề cập đến Quy hoạch Quảng cáo đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2018, ông Trần Hùng nói rằng: Tuy quy hoạch đã được phê duyệt nhưng đây vẫn chỉ là quy hoạch của nội bộ chính quyền thành phố, người dân, các tổ chức xã hội vẫn mù tịt về quy hoạch này. Cụ thể, quy hoạch phê duyệt từ tháng 4/2018 nhưng đến nay đã hơn một năm trôi qua thành phố Hà Nội chưa công bố, chưa công khai quy hoạch này. Theo quy định, sau khi ký phê duyệt, thành phố phải công bố công khai từng khu vực, địa điểm được quy hoạch thực hiện quảng cáo. “Tuy nhiên đến nay, quy hoạch này chỉ là một tờ quyết định do chủ tịch thành phố ký, không có các hướng dẫn, văn bản công bố sâu rộng nên mọi việc liên quan đến thực hiện quảng cáo tại Hà Nội hiện nay tại Hà Nội chủ yếu là tự ý, tự phát, thậm chí là theo đề xuất của doanh nghiệp theo các khu vực, vị trí mà họ muốn làm”, ông Hùng nói.

Bộ Xây dựng cho thí điểm, căn cứ pháp lý nào?

Chiều 18/9, trả lời PV Tiền Phong về cơ sở để thực hiện cấp phép hoạt động các biển quảng cáo trên hệ thống cầu vượt cho nhà nhà đầu tư dự án là Cty Vinasing, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho rằng, trước khi thực hiện, UBND thành phố đã có văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng về việc cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng vào điều kiện thực tế đối với hoạt động quảng cáo tại cầu vượt dành cho người đi bộ, theo đó, Cty được thí điểm quảng cáo tại mặt ngoài cầu vượt. “Cụ thể, Bộ Xây dựng có văn bản số 2774/BXD-KHCN, ngày 20/11/2017, nhất trí với hình thức xã hội hóa để đầu tư các thiết bị đường phố, phục vụ công ích cho thành phố Hà Nội và thống nhất cho doanh nghiệp thí điểm lắp đặt bảng quảng cáo tại hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ”, lãnh đạo Sở VH-TT nhấn mạnh.

Hà Nội đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh, xe bồn: Ai đang 'xé rào' cho doanh nghiệp? ảnh 1 Quy định của thành phố Hà Nội, lắp biển quảng cáo mặt trong lan can để đảm bảo an toàn, nhưng các biển quảng cáo của Vinasing trên cầu vượt đã lắp ở mặt ngoài Ảnh: A.Trọng

Tuy nhiên cũng trong ngày 18/9, đại diện Bộ Xây dựng cho chúng tôi biết, Văn bản số 2774/BXD-KHCN Bộ Xây dựng chỉ nhất trí với hình thức xã hội hóa quảng cáo để đầu tư cho các trang thiết bị đường phố, với việc lắp đặt vẫn lưu ý thành phố Hà Nội thực hiên theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Văn bản số 2774/BXD-KHCN của Bộ Xây dựng có nội dung: Bộ Xây dựng nhất trí với hình thức xã hội hóa để đầu tư các trang thiết bị đường phố (nhà vệ sinh công cộng, cây lọc nước, xe bồn tưới cây, hệ thống ghế đá) phục vụ công ích cho thành phố Hà Nội và thống nhất cho doanh nghiệp thí điểm thực hiện lắp đặt bảng quảng cáo tại hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ.

Đối với việc lắp đặt biển quảng cáo trên cầu vượt, văn bản trên lưu ý: Hiện nay quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 17:2013/BXD về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời đang trong quá trình soát xét chỉnh sửa, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm duyệt phương án thiết kế, xây dựng và lắp đặt bảng quảng cáo trên nguyên tắc: đảm bảo an toàn giao thông, an toàn chịu lực, mỹ quan đô thị; phù hợp các văn bản hiện hành có liên quan. Đặc biệt việc này cần đáp ứng các yêu cầu: “Đảm bảo tính toán an toàn chịu lực trên toàn bộ kết cấu cầu vượt cho người đi bộ, liên kết chắc chắn, cố định giữa bảng quảng cáo và cầu; Không che khuất tầm nhìn biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu giao thông; Kích thước và màu sắc bảng quảng cáo không được làm mờ biển chỉ dẫn giao thông, phải phù hợp cảnh quan đô thị và tổng thể hình thức cầu vượt”.

Tuy nhiên, thực tế việc lắp đặt biển quảng cáo trên cầu vượt đi bộ tại Hà Nội theo chủ trương trên lại cho thấy, ngoài thực hiện quảng cáo trước quy định của dự án (phải bàn giao 2/3 số nhà vệ sinh tương đương khoảng 70% mới được quảng cáo nhưng đến nay Vinasing mới bàn giao được 16,8% số nhà vệ sinh đã quảng cáo trên cầu vượt), hệ thống biển lắp đặt còn sai quy định, sai quy chế quản lý của chính thành phố Hà Nội. Cụ thể, điều 13 Quy chế Quản lý quảng cáo Hà Nội quy định: Biển quảng cáo lắp đặt trên cầu vượt, hầm đi bộ chỉ được lắp đặt mặt trong lan can cầu vượt, tuy nhiên toàn bộ biển quảng cáo tại các cầu vượt Vinasing đã lắp đặt trên cầu vượt đi bộ hiện nay là mặt ngoài lan can. Việc này vừa sai quy định, vừa sai thiết kế bờ lan can cầu vượt khi phải gánh thêm các biển quảng cáo hộp đèn nặng hàng tấn...

Ngoài ra đại diện đơn vị quản lý hệ thống cầu vượt đi bộ, Sở GTVT Hà Nội còn cho biết, việc hệ thống lan can phải “gánh” thêm hàng tấn trọng lượng từ biển quảng cáo vừa ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của lan can vừa không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông dưới đường nếu mưa bão lớn xảy ra. Cùng với đó, đại diện đơn vị quản lý hệ thống cầu đi bộ, Sở GTVT Hà Nội còn thông tin, hiện các biển báo giao thông như khống chế chiều cao của cầu vượt (cảnh báo để xe có chiều cao lớn không đâm đụng vào dầm cầu); biển phân làn, phân luồng phương tiện... được lắp đặt trên cầu vượt theo thiết kế, nhất là trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Láng Hạ… nhưng hiện nay đang bị nhà đầu tư hoàn trả, lắp đặt không đúng vị trí.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ VHTT&DL cho biết, hai điều kiện bắt buộc để thực hiện quảng cáo tấm lớn ngoài trời đó là phải thực hiện đúng theo Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành và vị trí đặt biển phải nằm trong Quy hoạch quảng cáo.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.