Hà Nội 'đổi' quảng cáo lấy nhà chờ xe buýt: Nhiều câu hỏi cần trả lời

Hệ thống nhà chờ xe buýt sẽ được xây mới hoặc thay thế theo tờ trình của Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: T.Đảng
Hệ thống nhà chờ xe buýt sẽ được xây mới hoặc thay thế theo tờ trình của Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: T.Đảng
TP - Hà Nội lại muốn đổi quảng cáo lấy 600 nhà chờ xe buýt trị giá 1.000 tỷ đồng. Theo tờ trình của Sở GTVT gửi UBND thành phố Hà Nội, việc đổi quảng cáo để xây dựng 600 nhà chờ xe buýt có tên dự án “Xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo trên dải phân cách giữa tại 12  quận nội thành theo hình thức đối tác công tư (PPP)”. 

Nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu

Đại diện Sở GTVT cho biết, hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, nhà chờ có chiều dài 400 -500 cm, cao từ 220 - 280 cm, rộng 170 - 200 cm; thân móng bê tông cốt thép… Nhà chờ sử dụng các công nghệ thông minh như phát wifi, bảng điện tử led, màn hình cảm ứng, pin năng lượng mặt trời… “Hệ thống nhà chờ được xây dựng sẽ khắc phục các tồn tại, hạn chế trong trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt cũ trên địa bàn thành phố; Tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đồng thời đáp ứng đầy đủ yêu cầu về mỹ quan đô thị”, đại diện Sở GTVT nhấn mạnh.

Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, trong khu vực 12 quận nội thành hiện  có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt nhưng mới chỉ có 365 điểm (khoảng 33,8%) được đầu tư nhà chờ có mái che.

Đề cập đến kinh phí xây dựng, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, tổng mức đầu tư  999,8 tỷ đồng được huy động bằng hình thức PPP. Đổi lại, nhà đầu tư sẽ khai thác quảng cáo tại một phần diện tích nhà chờ xe buýt được xây dựng và thực hiện quảng cáo tại dải phân cách giữa ở các tuyến phố lớn tại 12 quận nội thành. Thời gian nhà đầu tư thực hiện quảng cáo là 20 năm.

Cần có ý kiến các tổ chức, hiệp hội chuyên môn

 Ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, tờ trình phương án xây các nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu chỉ mới đưa ra được thông tin kích thước chưa có thông số kỹ thuật, chủng loại, mẫu mã nên rất khó hình dung. Hơn nữa, với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng và xây dựng 600 nhà chờ, trung bình mỗi nhà chờ có giá trị 1,6 tỷ/nhà chờ, đây là con số khá cao - tương đương xây dựng một căn hộ cho gia đình cá thể ở. Cơ quan thực hiện cần có kiểm toán, kiểm định độc lập xem nhà chờ được xây dựng theo quy mô, kích thức và công nghệ gì để hết số tiền trên. “Hơn nữa, trong 600 nhà chờ của dự án thì thực tế chỉ có 270 nhà chờ là được xây mới, còn 330 nhà chờ theo đơn soạn thảo tờ trình là cải tạo, thay thế các nhà chờ đã có. Vậy cơ sở nào để đưa ra mức kinh phí trên cần được làm rõ”, ông Trần Hùng lưu ý.

 Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc lắp đặt hệ thống nhà chờ và biển quảng cáo do triển khai trên đường nên phải tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Quảng cáo và các quy chuẩn Việt Nam về xây dựng công trình. “Theo tôi được biết, thành phố Hà Nội đang dừng việc cấp phép quảng cáo ngoài trời, trong đó có quảng cáo ở dải phân cách giữa. Nếu thực hiện dự án trên, liệu có sự xé rào và gây bất bình đẳng cho cộng đồng các doanh nghiệp quảng cáo chung hay không”, ông Liên đặt câu hỏi.

Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, tờ trình dự án mới đưa ra các mức nhà đầu tư tính toán, chưa có đánh giá, thẩm định của các cơ quan có chức năng. Cùng với đó, giá trị của việc quảng cáo tại 600 nhà chờ và các tuyến phố trên 12 quận nội thành là bao nhiêu chưa hề được bất kỳ cơ quan nào ở Hà Nội định giá, tính toán. Vậy cơ sở nào, nhà đầu tư đưa ra thời gian khai thác quảng cáo trong vòng 20 năm?

Vấn đề trên cũng được ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam quan tâm và cho rằng, thành phố cần rút ra bài học từ việc đổi quảng cáo trên cầu vượt đi bộ để lấy nhà vệ sinh công cộng, xe bồn vừa qua. Vì đa phần nhà vệ sinh xây chưa xong nhưng nhà đầu tư đã thực hiện quảng cáo rầm rộ, với những công trình nhà vệ sinh đã hoàn thành thì phần lớn bị hư hỏng như báo Tiền Phong phản ánh trong loạt bài “Hà Nội - Đổi quảng cáo lấy nhà vệ sinh, xe bồn: Nghi vấn trục lợi”.

MỚI - NÓNG