Hơn 1 tuần trở lại đây, các tuyến giao thông huyết mạch như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trường Chinh… liên tục rơi vào tình trạng tắc cứng. Đặc biệt, vào các ngày 7-9/9, tại các nút giao thông Thanh Xuân (Nguyễn Trãi), nhà ga bến xe Hà Đông cũ (đường Trần Phú)…, người tham gia giao thông bị chôn chân hàng giờ liền.
Chiều 11/9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã có cuộc họp với các ban quản lý dự án đường sắt bàn phương án giảm ùn tắc giao thông tại các nút trọng điểm của Thủ đô.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - cho biết, toàn thành phố Hà Nội hiện có 183 điểm triển khai xây dựng, trong đó có 12 công trình trọng điểm. Điểm ách tắc nhiều nhất là hầm chui Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến; điểm Hoàng Quốc Việt; Xuân Thủy, Cầu Giấy; nhà ga bến xe Hà Đông cũ; ga La Thành; ga đường Láng; nút giao Mai Dịch; nhà ga số 7 (Cầu Giấy-Trần Đăng Ninh); nhà ga số 6 (trước cổng Đại học Quốc gia)…
Đại diện Thanh tra GTVT Hà Nội cho hay, nút Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến-đi Hà Đông thường xuyên xảy ra ùn tắc trong tuần vừa qua, nguyên nhân chính là do lòng đường bị thu hẹp để phục vụ thi công công trình đường sắt trên cao, hầm chui.... Hiện tại, Sở GTVT đã có văn bản gửi ban, đơn vị thi công về việc hoàn trả mặt đường cho người dân lưu thông.
Ông Lê Văn Dương - Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt tuyến Cát Linh-Hà Đông - cho hay, để chống ùn tắc tuyến Nguyễn Trãi-Hà Đông, vào ngày 14/9 tới, đơn vị sẽ mở rào chắn thi công ở khu vực nhà ga bến xe Hà Đông, tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông. Tại khu vực hầm chui Thanh Xuân (ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi), đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, tăng cường lực lượng hướng dẫn người dân tham gia giao thông. Mặt đường xấu sẽ được đơn vị gia cố, trải lại.
Khu vực đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, nơi đang thi công nhà ga số 6,7, thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc trong những ngày qua. Ông Lê Huy Hoàng - Phó giám đốc Ban quản lý đường sắt - cho hay, nguyên dân dẫn đến ùn tắc một phần là do lòng đường hẹp, chỉ còn 4,5m mỗi chiều. Thêm nữa, thời điểm xảy ra ùn tắc vào đúng lúc mưa nên giao thông có phần hỗn loạn.
Lòng đường hẹp, các phương tiện phải đi lên vỉa hè (ảnh chụp ngày 11/9).
“Hiện nay, tất cả những đoạn đường có rào chắn lòng đường đều có công nhân thi công. Chúng tôi đang kiểm tra, bổ sung thêm một số biển báo giao thông, nâng cấp hệ thống thoát nước ở khu vực trên. Vào giờ cao điểm, sẽ tăng cường thêm người ra hướng dẫn giao thông”, ông Hoàng nói.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.Hà Nội - cho biết, hiện nay, các biển báo, đèn báo cảnh báo giao thông cái hỏng, cái quay, cái không quay. Thêm nữa, chủ đầu tư công trình sau thi công xong để mặt đường gồ ghề, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông.
“Quan điểm của tôi là tất cả các điểm rào chắn, đơn vị thi công xong phải trải thảm, hoàn trả lại mặt bằng. Nếu để xảy ra tai nạn gây chết người tại các điểm thi công, lực lượng chức năng phải khởi tố ngay. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về an toàn của người dân”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, hiện tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 21 điểm thi công có rào chắn gây ùn tắc giao thông. Để giải quyết tình trạng ùn tắc kéo dài, Sở GTVT cần yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, thu gọn rào chắn các vị trí đã thi công xong hoặc chưa thi công, nhằm mở rộng tối đa diện tích phục vụ giao thông. Sở cũng cần đề nghị các lực lượng như cảnh sát trật tự, lực lượng tự quản, thanh niên tình nguyện, thanh tra giao thông tham gia hỗ trợ công tác điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố. Đối với các tuyến đường hay ùn tắc, sở cần nghiên cứu, phân chia lộ trình xe buýt chạy cho hợp lý, đảm bảo giao thông được thông suốt.