Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, năm 2014 là năm hết sức đặc biệt, kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp khó lường, tác động khó khăn vào nước ta. Đầu tháng 5/2014 việc Trung Quốc ngang nhiên, bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan HD981 vào nước ta, đe dọa hòa bình, ổn định của đất nước. Sự kiện này đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.
“Hành động trên của Trung Quốc đã làm chúng ta mất 1 triệu khách du lịch. Nếu không có sự kiện này thì chúng ta không chỉ có 8 triệu khách du lịch mà có đến 9 triệu khách rồi”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, với sự nỗ lực, quyết tâm cuối cùng năm 2014 chúng ta hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội mà Đảng, nhà nước đã đề ra. Đây là điều kiện, tiền đề quan trọng để thấy rằng nếu chúng ta phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm thì năm 2015 chúng ta có thể đạt, vượt kế hoạch so với năm 2014.
Báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội năm 2014 do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày cho hay, thời gian qua giá dầu thô giảm không làm ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2014. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhiều đến thu ngân sách của năm 2015. Hiện Bộ Tài chính đang theo dõi để đánh giá và tính toán.
Mặc dù vậy, ông Vinh khẳng định, giá dầu giảm sẽ có nhiều tác động đến kinh tế. Theo tính toán, nếu giá xăng dầu giảm 10% thì sẽ tác dụng mạnh đến nền kinh tế, kích thích tiêu dùng, sản xuất và có thể tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế tăng thêm 0,91%.
Riêng ảnh hưởng của giá xăng dầu đến việc khai thác, ông Vinh cho hay, hiện nay chúng ta đầu tư khai thác mất khoảng 35- 37 USD/ thùng. Nên dù giá xăng dầu có giảm như hiện hành thì việc khai thác, xuất khẩu vẫn ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng, trong năm 2014 mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế của Hà Nội vẫn phát triển mạnh. Và để tạo động lực thúc đẩy phát triển, ông Thảo đề nghị Chính phủ cho tách Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch thành hai sở là Sở Văn hóa và Sở Du lịch.