Hà Nội đào hạ đê Nghi Tàm trong 5 tháng

Ảnh: Trần Hoàng
Ảnh: Trần Hoàng
TPO - Theo đại diện Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, việc đào hạ đê sẽ được thực hiện từ 15/11, thời gian dự kiến trong vòng 5 tháng.

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết, mọi thủ tục liên quan đến việc thi công đào hạ, thay thế đê Nghi Tàm đã gần hoàn tất. Từ 15/11 sẽ chính thức thực hiện toàn bộ quyết định phân luồng, cấm 1 chiều đường rồi tiến hành đào hạ đê.

Theo phương án phân luồng giao thông để phục vụ thi công, các phương tiện ô tô, xe máy lưu thông từ cửa khẩu An Dương đến khách sạn Thắng Lợi sẽ được phân luồng đi theo đường Nghi Tàm; chiều ngược lại đi theo phố Yên Phụ nhỏ.

Đường gom ngoài đê sẽ tổ chức cho xe máy đi hai chiều và ô tô đi một chiều theo hướng từ nút An Dương - khách sạn Thắng Lợi. Đồng thời, đường Nghi Tàm và phố Yên phụ nhỏ sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ, xe tải trên 1 tấn (trừ xe phục vụ thi công dự án) lưu thông. Việc cấm xe khách, xe tải sẽ được thực hiện từ ngày 5/11, sau đó 10 ngày sẽ tiến hành thi công đào hạ đê.

Hà Nội đào hạ đê Nghi Tàm trong 5 tháng ảnh 1 Đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ có tổng bề rộng khoảng 31 - 36m. Chiều cao tường chắn tính từ mặt đường thiết kế trung bình là 2,6m, bề rộng tường chắn là 1m. Trên đỉnh tường chắn sẽ bố trí các hốc trồng cây xanh loại nhỏ, mặt ngoài tường chắn ốp vật liệu gốm có hoa văn trang trí tương tự như con đường gốm sứ đã làm. 

Đơn vị thi công sẽ làm liên tục, tuy nhiên sẽ không thể nhanh bởi phải vừa làm vừa đảm bảo giao thông. Đại diện Ban quản lý dự án thông tin: “Chúng tôi sẽ tiến hành làm từng đoạn, mỗi đoạn 500 m, hoàn chỉnh mặt đường rồi phân đường cho phương tiện đi lại, sau đó mới làm tiếp”.

Dự kiến, việc thay thế đê đất bằng tường chắn bê tông cốt thép sẽ diễn ra trong vòng 5 tháng.

Theo Ban QLDA, đơn vị tư vấn thiết kế, khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án thiết kế và gửi lấy ý kiến đóng góp của các bộ, sở, ngành liên quan. Trên cơ sở chức năng và cao trình đê được giữ nguyên nhằm đảm bảo an toàn hành lang đê điều.

Trên thực tế, nút giao An Dương - Thanh Niên có mật độ giao thông rất lớn, các luồng lưu thông từ Yên Phụ, An Dương, Thanh Niên, Nghi Tàm thường xuyên ùn ứ. Ngoài ra, đoạn đê Hữu Hồng nối từ cửa khẩu An Dương lên đường Yên Phụ tạo thành con dốc cao chạy dài, gây khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Dự án vừa khắc phục tình trạng ùn tắc tại nút giao An Dương - Thanh Niên, tạo thuận lợi cho việc kết nối nhanh giữa trung tâm chính trị Ba Đình với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài thông qua cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân tới Sân bay Nội Bài.

Dự án cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên có chiều dài 271m, rộng 10m; tổng mức đầu tư 311,988 tỷ đồng; dự kiến thi công trong 7 - 7,5 tháng. Quá trình thi công sẽ kết hợp điều chỉnh một phần kết cấu đê Hữu Hồng đoạn K62+500 - K63+600. Thay thế kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L dài 1.100m, cao 2,6m, rộng 1m; có chân móng đảm bảo chống trượt, kết cấu làm việc an toàn, có khả năng chịu lực, ổn định dưới tác động của các tải trọng thiết kế.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.