Theo đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4 m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra - vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu. Đồng thời, phương án này sẽ tạo điều kiện mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông.
Phương án thiết kế này tương tự như giải pháp đã áp dụng thực hiện đối với đoạn đê hữu Hồng phía hạ lưu (từ K63+600 đến K65+129) và từ khi đưa đoạn đê này vào khai thác (từ năm 2000) đến nay vẫn đảm bảo an toàn đê điều, mỹ quan đô thị và thuận lợi cho tổ chức giao thông.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, thượng nguồn Sông Hồng đã xây dựng đập thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu..., các đập thủy điện này có chức năng điều tiết lưu lượng nước trên sông Hồng, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng (đoạn qua địa bàn Hà Nội).
Mặt khác, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cũng như định hướng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang triển khai nghiên cứu, trong tương lai thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường chạy ven sông, tuyến đường này sẽ tham gia hỗ trợ phòng chống lũ cho tuyến đê hữu Hồng hiện trạng. Do vậy, tuyến đê hiện trạng có thể xem xét hạ cao trình mặt đê đất để phục vụ giao thông cho thành phố.
Công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên là một trong những công trình giao thông cấp bách, trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc giao thông của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù tại Văn bản số 573/TTg-KTN ngày 5/4/2016.