Theo thông tin tại Hội nghị “Triển khai mô hình du lịch không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” do UBND quận Hoàn Kiếm vừa được tổ chức, rất nhiều địa điểm du lịch tại Thủ đô thời gian tới sẽ quyết tâm không còn bóng dáng của thuốc lá.
Cụ thể, Ban Quản lý, Ban Giám đốc 16 điểm văn hóa và 14 đình, đền, chùa thuộc quận Hoàn Kiếm vừa ký cam kết "Điểm du lịch không khói thuốc", với mục tiêu chính thức trở thành điểm du lịch không khói thuốc ngay trong tháng 10/2019 này.
Cụ thể, các địa danh này (tại 30 điểm du lịch) sẽ triển khai thí điểm mô hình du lịch không khói thuốc, đa phần là các di tích lịch sử và điểm du lịch văn hóa.
30 địa danh gồm: Đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn, Nhà thờ Hàm Long, Nhà lưu niệm (48 Hàng Ngang), Nhà tù Hỏa Lò, Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, Rạp Công nhân, Ngôi nhà di sản (phố Mã Mây)…
Dự kiến trong tháng 10 này, các điểm văn hóa, du lịch, di tích này sẽ gắn biển "không hút thuốc lá", "cấm hút thuốc lá", đồng thời sẽ có người nhắc nhở và xử phạt tại chỗ nếu người dân và du khách cố tình vi phạm.
Ngoài các địa điểm trên, UBND quận Hoàn Kiếm cũng thực hiện mô hình không khói thuốc ở 12 nhà hàng và 11 khách sạn trên địa bàn.
Trước đó, vào đầu năm 2017, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt và triển khai Đề án về nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc.
Năm 2017, đã có 92 nhà hàng, khách sạn 3 sao trở lên đăng ký tham gia đề án. Năm 2018, có 89 cơ sở đăng ký. Tổng 2 năm đã có 109/181 cơ sở đăng ký (đạt tỷ lệ 60%).
Trong 8 tháng đầu năm 2019, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàn Kiếm đã phạt tiền 32 triệu đồng đối với các hành vi hút thuốc lá tại điểm cấm hút thuốc lá.
Trước đó năm 2018, số tiền phạt đối với hành vi này là 88 triệu đồng và năm 2017 là hơn 100 triệu đồng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), Bộ Y tế luôn ủng hộ các điểm du lịch, nhà hàng không khói thuốc.
Tại Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá rất đáng báo động. Tổ chức y tế thế giới cho rằng, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Tại Việt Nam, có tới 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc. một số trường hợp tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, và một trong những nguyên nhân là do sử dụng thuốc lá cao. Bộ Y Tế cam kết sẽ đồng hành cùng TP Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá để đạt kết quả cao nhất và xây dựng thành công môi trường không thuốc lá.