Hà Nội: Chưa có giáo viên đủ năng lực dạy bộ môn tích hợp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của đoàn đại biểu quốc hội TP Hà Nội, địa phương gặp khó khăn, thách thức khi triển khai dạy học bộ môn tích hợp ở bậc THCS.

Cụ thể, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện dạy học tích hợp ở bậc THCS theo ba định hướng: tích hợp nội môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn.

Kết quả giám sát khẳng định, trong việc triển khai ba định hướng trên, thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS. Tuy nhiên, phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học các môn học theo yêu cầu tích hợp đang là một vấn đề khó khăn trong việc thực thi chương trình, chưa có giáo viên đủ năng lực thực sự để đảm nhận.

“Nếu để giáo viên dạy riêng thành phân môn sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí vì kiến thức có sự đan cài khá chặt chẽ, nhưng để cho 1 giáo viên dạy cùng lúc cả ba phân môn hiệu quả sẽ không cao”, báo cáo nêu.

​Hiện còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy; khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số cán bộ quản lý, giáo viên.

Hà Nội: Chưa có giáo viên đủ năng lực dạy bộ môn tích hợp ảnh 1

Phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học các môn học theo yêu cầu tích hợp đang là một vấn đề khó khăn ở địa phương.

​Đoàn đại biểu TP Hà Nội kiến nghị, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng đội ngũ giáo viên sẽ thừa, thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn sẽ thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu trầm trọng.

Việc đưa môn Nghệ thuật vào chương trình cấp THPT... cũng đòi hỏi bổ sung giáo viên. Đó là những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện chương trình.

Chương trình mới có nội dung giáo dục địa phương (1 tiết/tuần); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (3 tiết/tuần) đối với lớp 6, 7, 10 nhưng biên chế phân bổ chưa tính tới đội ngũ giáo viên dạy những môn này, phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm.

Về số lượng, cơ cấu giáo viên

Năm 2022, biên chế sự nghiệp khối giáo dục được giao là 99.711 biên chế (tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trường dạy trẻ khuyết tật), thấp hơn so với định mức của ngành giáo dục quy định: thiếu 9.526 biên chế viên chức.

Số viên chức Hà Nội hiện có là 90.185. Để đảm bảo điều kiện nguồn lực triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu về đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm 2022 HĐND TP đã thông qua Kế hoạch phân bổ bổ sung biên chế giáo viên Hà Nội với 2.361 chỉ tiêu năm học 2022-2023.

Về cơ cấu giáo viên, sau khi nghiên cứu các hướng dẫn của ngành giáo dục, TP đã chỉ đạo Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở GD&ĐT xác định cơ cấu giáo viên các trường phổ thông công lập theo chương trình giáo dục mới, đặc biệt đã xác định tỷ lệ giáo viên/lớp đối với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật…

Đây là cơ sở cho việc xác định số lượng giáo viên từng bộ môn cần thiết của từng trường, từ đó xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyển dụng giáo viên của địa phương, giải quyết từng bước các trường hợp thừa/thiếu giáo viên, có kế hoạch cử đi đào tạo tại những môn tích hợp, liên môn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.