Tây Nguyên dạy học ra sao khi địa hình chia cắt?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Địa hình chia cắt, dân cư thưa, có nơi 1 người ứng với 1 cây số, nên việc dạy học ở Tây Nguyên gặp khó. Có lớp chỉ vài em nhưng vẫn duy trì, dẫn đến thiếu giáo viên trầm trọng, lãnh đạo trường phải “điền vào chỗ trống”.

Một tỉnh thiếu tới 3.000 giáo viên

Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn đứng thứ 2 cả nước với 15.495 km², trong khi dân số thưa thớt (1,5 triệu dân). Toàn tỉnh có 114.000 học sinh, trong đó hơn 45% là DTTS.

“Địa bàn rộng, dân cư thưa nên việc tổ chức dạy học khác so với đồng bằng. Ví dụ, theo quy định, cấp tiểu học 35 em/lớp; nhưng do địa hình chia cắt nên dù 1 hay 10 em, cũng phải tổ chức dạy học”, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ.

Theo bà Lịch, Gia Lai đang thiếu 4.500 biên chế giáo dục; trong đó, hơn 3.000 giáo viên. Vừa qua, Trung ương giao bổ sung 1.244 biên chế giáo viên; tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ Tài chính, việc chi trả lương cho số giáo viên trên do ngân sách địa phương chi trả khiến địa phương gặp khó.

Tây Nguyên dạy học ra sao khi địa hình chia cắt? ảnh 1

Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Đăk Hà đứng lớp vì thiếu giáo viên. Ảnh: N.Dung

Đắk Lắk cũng đang thiếu hơn 2.000 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tin học, ngoại ngữ và các môn năng khiếu. Việc này đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT…

Lãnh đạo trường cũng phải đứng lớp

Do thiếu giáo viên, nhiều lãnh đạo trường ở Tây Nguyên phải đứng lớp dạy học. Năm học 2022-2023, trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) thiếu 12 giáo viên, nên cô Hiệu trưởng Hồ Thị Thùy Vân và thầy Phó hiệu trưởng Phạm Văn Hùng phải đứng lớp liên tục. Trong khi, theo quy định lãnh đạo trường chỉ đứng lớp 4 tiết/tuần.

Tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tình trạng thiếu giáo viên cũng trầm trọng, với hơn 300 giáo viên, nhất là bậc Tiểu học và THCS. Tại Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ea Tu), có trên 97% học sinh DTTS, năm học 2022-2023, thiếu hai giáo viên chủ nhiệm. Hiệu trưởng và cấp phó phải "điền vào chỗ trống", kiêm luôn công tác chủ nhiệm, đứng lớp hai buổi/ngày.

Tây Nguyên dạy học ra sao khi địa hình chia cắt? ảnh 2

Thực trạng thiếu giáo viên đã ảnh hưởng đến công tác dạy học. Ảnh: N.Dung

Đắk G’long là huyện thiếu giáo viên nhiều nhất tỉnh Đắk Nông với hàng trăm biên chế, song việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Trong đợt tuyển dụng giáo viên vừa qua, huyện này được giao 79 chỉ tiêu từ mầm non, tiểu học đến THCS nhưng chỉ có 47 bộ hồ sơ dự tuyển, kết quả đạt 43 người.

Sắp tới, huyện Đắk G’long tuyển khoảng 130 chỉ tiêu biên chế giáo viên; tuy nhiên, lãnh đạo địa phương rất lo không đủ nguồn tuyển và nếu tình trạng thiếu giáo viên kéo dài dễ dẫn tới việc dạy trái chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Kiến nghị không “cào bằng” định mức biên chế

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương đang thiếu hơn 1.000 biên chế giáo dục, trong đó, có hơn 600 giáo viên. Trong khi tỉnh này tăng dân số cơ học rất lớn, mỗi năm tăng từ 3.000-5.000 học sinh; khiến thực trạng thiếu giáo viên thêm trầm trọng.

“Vừa rồi Trung ương phân bổ thêm 115 biên chế giáo viên cho tỉnh. Tuy nhiên việc chia định mức biên chế như tỉnh đồng bằng sẽ không phù hợp với Đắk Nông và Tây Nguyên”, bà Hạnh bày tỏ và kiến nghị Trung ương quan tâm, giao định mức biên chế phù hợp thực tế của tỉnh.

Tây Nguyên dạy học ra sao khi địa hình chia cắt? ảnh 3

Lãnh đạo các tỉnh, sở giáo dục các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị cơ chế ưu đãi cho vùng

Đang thiếu 973 giáo viên và gặp khó trong nguồn dự tuyển, bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum kiến nghị Bộ Nội vụ không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo theo lộ trình; đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục miền núi; có cơ chế ưu đãi đặc thù khuyến khích giáo viên an tâm công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS… nhằm giải quyết tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác…

MỚI - NÓNG