Dạy học tích hợp: Giáo viên vừa ra trường đã lo... đào tạo lại

0:00 / 0:00
0:00
Dạy học tích hợp: Giáo viên vừa ra trường đã lo... đào tạo lại
TPO - Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK đối với lớp 6 trong đó có bộ môn tích hợp hoàn toàn mới mẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, xuất hiện môn học tích hợp trước khi đào tạo giáo viên dạy tích hợp khiến nhiều trường bối rối.

Sắp tiến sĩ cũng phải đào tạo lại

Hiệu trưởng 1 trường THCS tại quận Cầu giấy (Hà Nội) nói rằng, năm nay cùng với việc đổi mới SGK lớp 6 có 2 môn học tích hợp là Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên (KHTN). Xuất hiện 2 môn học này đồng nghĩa với việc 5 môn học bị biến mất gồm: Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Hóa học, Vật lý. Đáng lẽ ra, Bộ GD&ĐT nên đào tạo giáo viên dạy tích hợp trước khi đưa vào dạy học. Bởi thực tế, môn học xuất hiện trước khi đào tạo giáo viên đã nảy sinh rất nhiều bất cập. Cụ thể, ở môn KHTN, các trường chỉ có giáo viên đơn môn nên đang phải xếp lịch cho 2-3 giáo viên dạy 1 môn học mới hoàn thành nội dung rất khó khăn. Chưa kể, 3 giáo viên chịu trách nhiệm cho 1 môn học không biết giao ai vào điểm, ký tên cũng như chịu trách nhiệm chính cho môn học đó.

Theo hiệu trưởng này, giáo viên của trường đa số là người trẻ, vừa ra trường có bằng thạc sĩ, thậm chí có người đang làm luận án tiến sĩ bộ môn Sinh học nhưng chưa kịp dạy học bị lỗi thời. Vì môn Sinh học hiện nay được tích hợp trong môn KHTN, buộc giáo viên này phải đi đào tạo lại để học thêm Hóa học, Vật lý. "Nhà trường sẽ có ý kiến đề nghị hỗ trợ giáo viên vì như vậy sẽ rất thiệt thòi cho họ. Sau này giáo viên vừa đứng lớp vừa đi học, thậm chí phải bỏ kinh phí đào tạo lại sẽ không thỏa đáng", hiệu trưởng này nói.

Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân bà Phạm Thị Xuân Oanh cho biết, từ tháng 10 giáo viên dạy môn tích hợp tách riêng theo từng lĩnh vực nên sẽ gặp một số khó khăn như: Không thực hiện đúng logic mạch nội dung SGK; học sinh phải tiếp nhận cùng lúc nhiều lĩnh vực trong một môn học... Nhà trường gặp khó khi sắp xếp thời khóa biểu.

Bà Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đối với môn KHTN, trường hiện đang bố trí xen kẽ tuần 2 tiết Vật lý, 2 tiết Sinh học từ tuần 1 đến tuần 4. Sang tuần thứ 5, giáo viên Hóa học dạy chương “Chất và sự biến đổi của Chất” với thời lượng 4 tiết/tuần. Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương “Vật sống”, bố trí giáo viên chuyên môn Sinh học đảm nhiệm, thời lượng 4 tiết/tuần. Tương tự như vậy với các tuần từ 19 đến 25.

“Nếu dạy song song Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ phá vỡ nội dung chương trình, phá bỏ nội dung sách giáo khoa. Cách làm này giáo viên dạy KHTN sẽ tăng 19 tiết lên 20-21 tiết/ tuần nhưng thầy cô vẫn chấp nhận khó khăn để học sinh dễ tiếp thu kiến thức hơn. Nhà trường cũng phải thay đổi thời khóa biểu và kế hoạch dạy học theo tháng phù hợp với thực tế dạy học”, bà Yến nói.

Một số hiệu trưởng trường THCS cũng khẳng định, việc đưa môn học vào dạy trước khi đào tạo giáo viên đã khiến các trường rất khó khăn, lúng túng trong xếp thời khóa biểu, đánh giá chất lượng môn học.

Không “đồng phục” thời khóa biểu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nói rằng, nét mới của Chương trình GDPT 2018 chính là môn tích hợp, do đó các nhà trường phải bố trí thời gian để tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu. Việc xây dựng kế hoạch dạy học được phân cấp cho nhà trường, trong đó có việc sắp xếp thời khóa biểu cần linh hoạt, không nhất thiết “đồng phục” 4 tiết KHTN/tuần mà có thể điều chỉnh tăng, giảm sao cho phù hợp, không quá tải cho giáo viên. Ông ví dụ, khi giáo viên có giờ KHTN thì các tuần đó điều chỉnh bớt 1 số tiết ở lớp khối học khác; các tiết này được xếp dồn vào các tuần trước, hoặc các tuần sau đó cho phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm cân đối về nội dung dạy học theo từng học kì.

Ông yêu cầu các trường xây dựng được kế hoạch dạy học phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. “Cần tổ chức dạy học theo đúng tinh thần của môn KHTN; trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới sắp xếp giáo viên dạy song song các chủ đề, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng khẳng định, với đội ngũ giáo viên hiện hành, việc xếp thời khóa biểu để dạy học môn KHTN theo đúng logic của chương trình là hoàn toàn thực hiện được.

Trước đó, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong đó có yêu cầu bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của một số môn học hiện tại để tiến tới mỗi giáo viên có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn KHTN, Lịch sử và Địa lý theo chương trình GDPT 2018.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.