Bộ GD&ĐT cho biết các cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến cáo những trường đại học (ĐH), ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn.
Các ĐH quốc gia, ĐH vùng và các trường/nhóm trường ĐH đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện có thể tổ chức kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH,CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Là người gắn bó với tuyển sinh, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đưa một số ý kiến từ góc nhìn của đơn vị thực hiện.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tổ chức được 2 năm. Theo ông, thời gian tới nên tổ chức thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?
Để đạt hiệu quả cao, thích ứng tốt với mọi sự biến động, cách tốt nhất là tăng quyền chủ động, tự chủ cho các cơ sở giáo dục, phù hợp với với chủ trương “Đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đào tạo” của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
PGS.TS Bùi Đức Triệu |
Tuy vậy vẫn cần có lộ trình, sự quản lý và kiểm soát của Bộ GD&ĐT, cụ thể trong thời gian tới thi tốt nghiệp có thể thành nhiều đợt, trong 1 khoảng thời gian để các tỉnh, thậm chí từng vùng/huyện thị chủ động quyết định, tương tự như việc tổ chức lễ Khai giảng, Bế giảng các năm học.
Bộ quản lý, cung cấp đề thi, giám sát chấm thi để đảm bảo mục tiêu minh bạch, đối sánh, đánh giá chất lượng của toàn hệ thống.
Đối với tuyển sinh, việc xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nhìn từ kỳ thi năm nay đã bộc lộ một số bất cập. Ông nhìn nhận xu hướng tuyển sinh của các trường đại học của Việt Nam từ năm 2022 sẽ như thế nào?
Xu hướng tuyển sinh từ vài năm trở lại đây cho thấy tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng mở rộng, linh hoạt và đa dạng; ngày càng ít phụ thuộc vào kỳ thi THPT và từ năm 2022 xu hướng này chắc chắn sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
Bộ GD&ĐT đang có chủ trương đẩy mạnh thành lập các trung tâm khảo thí tại hai đại học quốc gia và các đại học vùng. Theo ông, để các trường đại học sử dụng kết quả từ các trung tâm khảo thí tuyển sinh, các trung tâm này nên là đơn vị độc lập hay vẫn phụ thuộc vào các cơ sở giáo dục ĐH như hiện nay? Tại sao?
Tôi vui mừng vì Bộ GD&ĐT đã có chủ trương đẩy mạnh việc thành lập các Trung tâm khảo thí này, lẽ ra việc này phải được làm sớm hơn nữa để có thể thay thế cho kỳ thi tuyển sinh đại học “3 chung” trước đây.
Trong thời gian quá độ (2022-2025), có thể các Trung tâm này vẫn thuộc các cơ sở giáo dục ĐH để đảm bảo tính ổn định và lộ trình đổi mới tuyển sinh, tránh gây “sốc” cho thí sinh và xã hội, nhưng về lâu dài, tôi cho rằng, tốt hơn cả các Trung tâm khảo thí này phải có tính chất “Quốc gia”, nghĩa là phải độc lập, không phụ thuộc vào một cơ sở giáo dục ĐH nào vì lý do cơ bản và đơn giản là để đảm bảo tính “chí công, vô tư” của Trung tâm khảo thí.
Ngoài việc sử dụng kết quả từ các trung tâm khảo thí, các trường đại học theo từng nhóm ngành có nên phối hợp cùng nhau để tổ chức kỳ thi phù hợp với yêu cầu cụ thể không, thưa ông?
Đây cũng là một giải pháp của thời kỳ quá độ, nhưng tôi cho rằng có thể phát sinh nhiều kỳ thi quá, thí sinh lại vất vả, ôn tập, học hành. Các trường đã có khá nhiều giải pháp, nhiều phương thức rồi, việc thi cử, nên giảm bớt cho đỡ khổ con em chúng ta.
Với vai trò cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, theo ông Bộ GD&ĐT cần làm gì để các trường đại học có thể thực hiện được quyền tự chủ tuyển sinh và tuyển sinh đạt yêu cầu; thí sinh yên tâm học, tham gia xét tuyển?
Bộ GD&ĐT đã và đang làm đúng hướng trong những năm qua (từ 2015), nên kiên định với định hướng này, không vì khó khăn trước mắt (chủ yếu do dịch COVID-19 quá phức tạp, bất định gây ra) mà thay đổi.
Trước hết cần khẳng định một lần nữa với thí sinh và xã hội định hướng đổi mới đó và sớm ban hành một kế hoạch, một lộ trình cụ thể để thí sinh và xã hội yên tâm.
Cảm ơn ông!