Theo đó, UBND Hà Nội đã thống nhất chủ trương theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội tại Tờ trình ngày 30/10 về việc cho học sinh đi học trở lại.
Quy mô, học sinh học trực tiếp ban đầu sẽ ưu tiên cho các khối lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện chương trình GDPT mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp.
Cụ thể, những khối lớp sau sẽ đi học trực tiếp từ 8/11: khối 5, khối 6,9; khối 10,12 tại các trường ở xã/ phường/ thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.
Các khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến. Bậc mầm non tiếp tục nghỉ học ở nhà.
Nguyên tắc thực hiện, học sinh đi học theo từng địa bàn xã/ phường/ thị trấn tại những nơi được xác định cấp độ dịch ở cấp độ 1, 2 tại 18 huyện và thị xã. Những trường có học sinh trên nhiều địa bàn khác nhau thì trường phải xác định nắm rõ thông tin nơi cư trú của các học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi cư trú.
Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí hướng dẫn liên ngành trước đó.
Hà Nội cũng yêu cầu các trường học có phương án đảm bảo giãn cách, giảm sĩ số học sinh/ buổi dạy. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp.
Các địa phương, trường học thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: “Một cung đường, hai điểm đến”; phụ huynh học sinh đảm bảo tiêm 1 mũi vắc xin ít nhất 1 mũi đạt trên 90%.
Thành phố yêu cầu các trường tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú, dạy một buổi trong ngày đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, Hà Nội khuyến khích những trường đông học sinh kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, bố trí lịch học phù hợp để đảm bảo giãn cách.
Trường không an toàn không được mở cửa
Trước đó, Hà Nội đã ban hành hướng dẫn liên ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh quay lại trường học trong điều kiện bình thường mới.
Cụ thể, phải khử khuẩn trường học ít nhất 1 lần, khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh (nếu có), chuẩn bị đủ nước sát khuẩn, nơi rửa tay xà phòng, đo nhiệt độ, khẩu trang dự phòng, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Phối hợp với cơ sở y tế địa phương tiêm phòng vắc xin cho 100% cán bộ, giáo viên.
Hiện tại, Hà Nội mới chỉ có hơn 62% giáo viên được tiêm vắc xin mũi 2. Phải bố trí người đón và giao nhận học sinh tại cổng; không tổ chức các hoạt động tập thể, dã ngoại, tham quan thực tế; bố trí giờ giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp.
Thành phố cũng ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học gồm 16 tiêu chí, trong đó chia 3 giai đoạn gồm: trước khi học sinh đến trường; khi học sinh đến trường và sau khi kết thúc buổi học. Trường học được đánh giá an toàn khi đạt 12 tiêu chí trở lên; trường học chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống được đánh giá là không an toàn, không được phép hoạt động.