Lo gian lận khi kiểm tra trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều trường tại Hà Nội chuẩn bị cho học sinh kiểm tra giữa kỳ. Ảnh: Quỳnh Anh
Nhiều trường tại Hà Nội chuẩn bị cho học sinh kiểm tra giữa kỳ. Ảnh: Quỳnh Anh
TP - Đa số trường học tại Hà Nội đã chuẩn bị cho học sinh kiểm tra giữa kỳ. Một số phụ huynh lo sẽ có tình huống gian lận khi kiểm tra qua mạng.

Chị Nguyễn Thu Hương có con học lớp 5 ở quận Thanh Xuân nói rằng, năm nay gia đình dự định cho con thi vào lớp 6 Trường THCS Thanh Xuân (trường chất lượng cao, hằng năm đều lấy điểm học bạ để sơ tuyển vòng 1), do đó gia đình lo lắng việc học sinh khác sẽ gian lận đạt điểm cao, làm đẹp hồ sơ. “Năm ngoái, trường đã kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến, nếu việc học trực tuyến kéo dài, sắp tới kiểm tra cuối kỳ lớp 5 nữa. Như vậy, nếu có tình trạng học sinh gian lận thì sẽ rất bất công với học sinh làm bài bằng năng lực thực”, chị Hương nói.

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bát Tràng (quận Gia Lâm), cho biết, nhà trường đang chờ hướng dẫn cụ thể của các cấp quản lý về việc kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, để chủ động, trường đã chuẩn bị các phương án kiểm tra trực tuyến, trong đó đề các môn được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm để học sinh dễ dàng thực hiện. Hiện có khoảng 50% học sinh sử dụng điện thoại di động để học tập và kiểm tra, đánh giá, do đó, trước khi kiểm tra, giáo viên sẽ cho các em tập dượt.

“Ở tuổi tiểu học, học sinh chưa thao tác thành thạo thiết bị, bài kiểm tra được giới hạn thời gian khoảng 40 phút nên vấn đề gian lận không đáng lo ngại. Hơn nữa, trong quá trình dạy học, giáo viên có đánh giá, nhận xét hằng tháng. Do đó, điểm kiểm tra giữa kỳ cũng chỉ là một trong những yếu tố để định lượng xem học sinh nắm được đến đâu”, bà Lý nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị tốt các điều kiện để kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực.

Hiện nay, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, không kiểm tra định kỳ đối với lớp 1-2, nhưng nếu việc học trực tuyến kéo dài, cần có hướng dẫn cụ thể hơn của Sở GD&ĐT, bà Lý nói.

Không gây khó cho giáo viên, học sinh

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (quận Hà Đông), bà Lê Minh Nguyệt, nói rằng, theo kế hoạch, tuần tới, học sinh toàn trường sẽ bắt đầu kiểm tra các môn theo hình thức trực tuyến. Riêng 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, trường tạm dừng để chờ trong 1-2 tuần tới nếu học sinh được đi học trở lại sẽ kiểm tra trực tiếp. Sau quá trình học trực tuyến, học sinh THCS đã biết thao tác thành thạo thiết bị, do đó cũng có thể có em sẽ gian lận trong quá trình kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, nhà trường thông báo phụ huynh phối hợp hỗ trợ giám sát, đồng thời yêu cầu học sinh tự giác để đánh giá năng lực thật sự giúp giáo viên định hình được chất lượng học trực tuyến. Đề kiểm tra trực tuyến sẽ bao gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản, không làm khó học sinh, đồng thời chỉ dành thời gian vừa đủ để thực hiện, nếu các em quay cóp, tìm kiếm trên Google hay trong sách giáo khoa sẽ hết giờ làm bài. “Việc kiểm tra trực tuyến đã được nhà trường thực hiện từ cuối học kỳ II năm ngoái nên giáo viên, học sinh đều có kinh nghiệm”, bà Nguyệt nói.

Tại khối trường ngoài công lập, do học sinh tựu trường từ tháng 8, nên thời điểm này nhiều trường đã hoàn thành việc kiểm tra giữa kỳ.

Hiệu trưởng Trường liên cấp Olympia, bà Nguyễn Thị Lý, cho hay, nhà trường yêu cầu trong quá trình dạy học, những học sinh không trả lời được câu hỏi của giáo viên hoặc bị thoát mạng đều phải ở lại để giáo viên bồi dưỡng thêm. Do đó, bài kiểm tra giữa kỳ nhằm mục đích xem học sinh nắm bài đến đâu để giáo viên có kế hoạch dạy học, hỗ trợ. Cuối năm học, mỗi học sinh đều được vinh danh theo thế mạnh riêng, do đó điểm số không còn là tiêu chí duy nhất để các em phải cố cho bằng được.

“Từ đầu năm học, khi thấy phải học trực tuyến, trường cũng sợ sẽ ảnh hưởng chất lượng, nhưng đến thời điểm này đã tinh giản bớt nội dung, kiến thức cũng như số tiết để khi các em được tới trường sẽ dạy bù”, bà Lý nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, đối với bài kiểm tra, đánh giá định kỳ, việc xây dựng ma trận cần phối hợp câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận theo tỷ lệ phù hợp. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp.

MỚI - NÓNG