Hà Nội chỉ nên lát đá tự nhiên khi hạ tầng ổn định

Nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng đào xới vỉa hè Hà Nội hiện nay, việc lát đá tự nhiên là lãng phí.
Nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng đào xới vỉa hè Hà Nội hiện nay, việc lát đá tự nhiên là lãng phí.
TP - Một số chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, trước thực trạng hạ tầng và vỉa hè thiếu đồng bộ, thiếu ổn định như hiện nay, Hà Nội không nhất thiết tuyến phố nào cũng phải dùng đá tự nhiên để lát vỉa hè vì sẽ gây tốn kém, lãng phí lớn.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, việc sử dụng vật liệu đá tự nhiên để lát vỉa hè là tốt vì nó có độ bền hơn gạch bê tông đang sử dụng lâu nay. Nhưng theo ông Liêm, dù đá tự nhiên có tuổi thọ 50-70 năm cũng không có ý nghĩa gì khi tình trạng vỉa hè Hà Nội lâu nay vẫn điệp khúc đào lên lấp xuống: “Vỉa hè Hà Nội vừa mới làm lại phải bóc lên, đào xới, sửa chữa khắp nơi, nên có lát gì đi nữa nó vẫn nát”, ông Liêm nói.

Ông Liêm cho rằng, việc lát vỉa hè cũng phải tính toán kỹ lưỡng về các yêu cầu như không cản trở, gây tổn hại gì cho người đi bộ; ảnh hưởng đến việc luân chuyển giao thông hàng ngày. Muốn vậy, việc lát và bó vỉa hè phải được tính toán không được quá cao so với mặt đường, không được trơn trượt. Đặc biệt, theo ông Liêm khi lát vỉa hè thì tất cả những thứ nằm dưới vỉa hè phải ổn định thì mới được lát. “Đối với vỉa hè Hà Nội điều này là quan trọng nhất, vì hạ tầng chưa đồng bộ, không có sự quản lý chặt chẽ nên lâu nay ngành nào cũng đào bới vỉa hè. Cho nên dẫn đến chuyện mặt đường vừa thảm xong, vỉa hè vừa lát xong thì ngay lập tức có anh điện, anh nước hay anh viễn thông đã vội đào lên lấp xuống rồi”, ông Liêm phân tích.  

Vị chuyên gia này cũng đưa ra quan điểm, sử dụng vật liệu đá tự nhiên cho vỉa hè rất đắt tiền nên phải chọn những địa điểm, tuyến phố nào đã ổn định về hạ tầng, chứ không nên lát đại trà tràn lan. “Ở khu vực nội đô như quanh bờ hồ Gươm hay khu vực quảng trường Ba Đình, ngoài yếu tố hạ tầng đồng bộ, ổn định, việc lát đá tự nhiên cũng rất đáng làm để phục vụ việc phát triển du lịch. Nhưng ở các tuyến phố nơi có hạ tầng chưa đồng bộ như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông..., tôi không rõ những tuyến phố đang và sẽ lát đá tự nhiên liệu đã ổn định chưa. Nếu chưa ổn định mà bỏ ra hàng tỷ đồng để lát thì không ổn dù đấy là tiền xã hội hoá”, ông Liêm nhấn mạnh.

Sử dụng vật liệu gì?

Theo ông Nguyễn Đình Nghị, nguyên Viện phó Viện Vật liệu Xây dựng, ngoài đá tự nhiên thì nhiều nơi cần lát các loại vật liệu có tính năng tốt hơn như dễ thẩm thấu nước để tránh ngập úng. Ông Nghị dẫn chứng, ở các nước phát triển không chỉ sử dụng vật liệu đá tự nhiên mà chủ yếu sử dụng gạch terrazzo tại các khu đô thị. Ở các nước châu Âu, đá tự nhiên thường được lát tại các phố cổ, phố đi bộ và thường làm những viên nhỏ, có rãnh thoát bẩn chứ không lát cả viên đá to.

Ưu điểm của gạch terrazzo là chống trơn trượt. Các rãnh hoa văn của gạch này chính là để chống trơn. “Gạch terrazzo nếu làm đúng tiêu chuẩn theo công nghệ châu Âu sẽ có chất lượng, độ bền, đẹp tương đương, thậm chí còn hơn so với đá tự nhiên trong khi giá thành rẻ hơn nhiều. Còn đá tự nhiên nếu không xử lý đúng tiêu chuẩn rất dễ bị trơn trượt”, ông Nghị phân tích.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.