Hà Nội đồng loạt lát vỉa hè bằng đá tự nhiên: Trả lại tên cho em...

Hà Nội đồng loạt lát vỉa hè bằng đá tự nhiên: Trả lại tên cho em...
TP - Vỉa hè với chức năng thiên bẩm là nơi dành cho người đi bộ, thế nên việc chỉnh trang, cải tạo vỉa hè chỉ thực sự đẹp đúng nghĩa khi đó là không gian của người đi bộ.

Những ngày này, công nhân đã xuất hiện trên nhiều tuyến phố của Hà Nội để thi công lát đá vỉa hè. Lần này, hơn 900 tuyến phố của 12 quận trên địa bàn Thủ đô sẽ đồng loạt được lát loại đá tự nhiên, thay thế vật liệu gạch trước đây. Đá tự nhiên có kết cấu bền vững và có độ bền 50 - 70 năm, tính thẩm mỹ cao nên được nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít băn khoăn.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - một người nghiên cứu sâu về văn hóa Hà Nội kể, vỉa hè gắn bó với bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Những vỉa hè này từng là thiên đường của con trẻ với vô vàn trò chơi dân gian như khăng, đáo... Từ những khu phố cổ đến khu phố Tây (Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo…) đều có những vỉa hè đặc trưng. Đẹp nhất, rộng nhất vẫn là vỉa hè khu phố Tây với những hàng gạch vuông vân thẳng, nổi bằng đá. Thậm chí, thời Pháp, Hà Nội còn có quỹ bảo trì vỉa hè. Quỹ được thu từ những người buôn bán trên vỉa hè, giúp tuyến phố luôn văn minh, sạch sẽ.

Từ đó đến nay, vỉa hè Hà Nội đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn phải theo tiêu chuẩn gạch dày, có các rãnh tránh trơn trượt, đảm bảo mỹ quan đô thị. Thế nhưng, việc lát đá tự nhiên vỉa hè mới đây trong khu phố cổ lại bộc lộ nhiều bất cập. Bởi thời tiết miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng mưa nắng bất thường, mùa đông mưa phùn… khiến mặt đá lát trơn, nhiều người dễ bị trượt ngã. Đơn cử như khu phố bảo tồn cấp I - phố Tạ Hiện, không còn vỉa hè nữa mà là toàn bộ lòng đường lát đá tự nhiên. Nhìn lớp đá xam xám một màu gây nóng bức mùa hè, lạnh lẽo mùa đông và mưa thì rất trơn trượt. Ngay cả du khách nước ngoài nhiều lần đã phản ánh về việc này.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, mỗi quận nên có một loại đá lát riêng để đảm bảo bản sắc từng khu vực. Ví như khu phố Tây - nơi có nhiều biệt thự thì cần cái gì đó mềm mại, nhẹ nhàng, phù hợp với khung cảnh. Khu vực phát triển phía Tây thành phố, có thể lát vỉa hè theo phong cách hiện đại hơn.

Ở một góc cạnh khác, KTS Trần Thanh Bình cho rằng, vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng của nó là dành cho người đi bộ. Về góc độ đô thị, vỉa hè là nơi giao tiếp cộng đồng đô thị, nơi chuyển tiếp để con người tiếp cận với những công trình kiến trúc từ trong căn nhà ra đến các công trình công cộng. 

Vỉa hè lát gạch tự nhiên chỉ đẹp khi không phải “oằn mình” gánh thêm xe đạp, xe máy lao lên mỗi khi tan tầm. Không trở thành nơi trông giữ xe hay thành nơi lấn chiếm buôn bán của riêng cá nhân nào đó. Ngoài ra, KTS Bình khẳng định, lát đá tự nhiên để có sự bền đẹp và văn minh đã được nhiều quốc gia châu Âu áp dụng. Ở các thành phố lớn của Pháp, Ý… đều có những khu phố cũ với đá tự nhiên rất cổ kính. Và, những viên đá lát có độ bền đến 70 năm phát huy được tác dụng thì cần có sự đồng bộ về hạ tầng. “Nếu cứ nay người đào lên thay cáp điện, người đào lắp cáp viễn thông… thì cũng chỉ gây lãng phí mà thôi”, vị KTS chia sẻ.

MỚI - NÓNG