Hà Nội bức bí, ngột ngạt vì đâu?

Nén dân vào nội đô, hạ tầng giao thông yếu kém khiến người dân thủ đô bức bí, ngộp thở. Ảnh: Như Ý.
Nén dân vào nội đô, hạ tầng giao thông yếu kém khiến người dân thủ đô bức bí, ngộp thở. Ảnh: Như Ý.
TP - Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang đứng trước nhiều sức ép bởi tình trạng gia tăng dân số cục bộ trong khu vực nội đô khiến hạ tầng quá tải triền miên. Trường học đông nghẹt, đường xá ùn tắc, lòng đường vỉa hè biến thành bãi đỗ xe hết sức nhếch nhác…

Bài 1: Một phường có tới 8 vạn dân!

UBND nhiều phường trong khu vực nội đô cho biết, chỉ trong 5-10 năm trở lại đây, có phường dân số đã tăng thêm cả vạn người. Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như đường, trường học, chợ dân sinh gần như không được mở rộng thêm…

Chóng mặt vì tăng dân số

Những đợt nắng nóng đầu hè dường như đã làm cuộc sống của người dân phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) thêm ngột ngạt. Trong khu tập thể nhà máy cơ khí, hàng chục hộ dân bao nhiêu năm qua vẫn phải sống trong những căn hộ chỉ hơn chục mét vuông, họ dùng chung nhà vệ sinh và nhà tắm như thời bao cấp.

Trên hành lang khu nhà nhan nhản bếp than tổ ong nhả khói mù mịt. Bà Đinh Thị Tuyết Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình cho biết, những năm gần đây hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phường bị xuống cấp và quá tải do dân số tăng quá nhanh.

Chỉ trong 5-7 năm vừa qua, dân số trên địa bàn phường (diện hộ khẩu thường trú) đã tăng thêm cả vạn người, nâng tổng số dân lên 2,61 vạn người với gần 6.700 hộ dân. Tuy nhiên, cũng theo bà Dung, đây mới chỉ là con số hiện tại, còn nếu dự tính đủ cả số lượng căn hộ xây mới của các dự án trên địa bàn phường đang và sẽ đưa vào sử dụng trong thời gian sắp tới thì số dân của phường sẽ tăng lên tới khoảng 4 vạn người! 

Phường Vĩnh Tuy hiện là phường có diện tích rộng nhất trong số 20 phường thuộc quận Hai Bà Trưng (với diện tích 1,63 km2). Thế nhưng, trong mấy năm qua, dân số của phường Vĩnh Tuy lại tăng lên đột biến khiến hạ tầng quá tải.

“Trong các cuộc tiếp xúc gần đây, cử tri phường Vĩnh Tuy nhiều lần kiến nghị gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và các cấp về đề xuất chia tách phường Vĩnh Tuy ra làm 3 phường, vì hiện nay dân cư của phường đã gấp 7 - 8 lần so với các phường khác trong quận”, ông Nguyễn Anh Hào, Phó Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân phường Vĩnh Tuy cho hay.

“Hiện phường Vĩnh Tuy có trên 4 vạn dân chưa kể dân cư của các khu đô thị lớn và hàng loạt dự án nhà ở, khu chung cư khác trên địa bàn đang đưa vào sử dụng. Vì thế trong thời gian sắp tới dân số phường Vĩnh Tuy có thể tăng trên 8 vạn dân”.

Ông Nguyễn Anh Hào, Phó Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân phường Vĩnh Tuy   

Theo ông Hào, hiện phường Vĩnh Tuy có trên 4 vạn dân chưa kể dân cư của các khu đô thị lớn và hàng loạt dự án nhà ở, khu chung cư khác trên địa bàn đang đưa vào sử dụng. Vì thế thời gian tới, dân số phường Vĩnh Tuy có thể tăng trên 8 vạn dân.

Đại diện UBND phường Vĩnh Tuy cho biết, hệ thống giao thông trên địa bàn phường có 2 tuyến phố chính là Lạc Trung và Minh Khai. Nhưng chính các tuyến phố này đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc liên miên khi hàng loạt dự án khu đô thị, nhà ở dọc các tuyến phố này đang đua nhau mọc lên. “Hiện có 22 khu dân cư với 74 tổ dân phố, nhưng do dân cư quá đông nên chúng tôi đang đề nghị HĐND thành phố cho thành lập thêm 9 tổ dân phố mới.

Trong đó chỉ riêng một khu đô thị trên địa bàn có 8 tổ và con số này sẽ tiếp tục tăng thêm rất nhiều khi mà hàng loạt khu đô thị, khu chung cư trên địa bàn đưa vào sử dụng”, vị cán bộ phường cho biết.

Tại phường Láng Hạ (quận Đống Đa), ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường cho hay, trong gần 10 năm qua, dân số trên địa bàn phường đã tăng từ 2,2 vạn lên trên 3,2 vạn người. Đó là chưa kể tới khoảng 7.000 người tạm trú trên địa bàn như học sinh, sinh viên, người lao động. Tại nhiều phường khác trên địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy… cũng đều trong tình trạng dân số tăng quá nhanh.

Hà Nội bức bí, ngột ngạt vì đâu? ảnh 1

Nội đô ngày càng quá tải (ảnh chụp trên phố Láng Hạ chiều ngày 6/5). Ảnh: Ngọc Châu.

Phường “trắng” trường công lập

Bà Đinh Thị Tuyết Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình phản ánh, dân số tăng quá nhanh trong khi hạ tầng thì gần như không được đầu tư thêm. Điển hình như trạm y tế phường bao nhiêu năm qua vẫn tá túc tạm bợ trong căn nhà chỉ rộng 50m2 đất khá chật hẹp. Trường tiểu học, THCS phải gồng mình lên để gánh thêm lượng học sinh rất lớn. Trụ sở UBND phường cũng khá chật chội. Nhà hội họp ở khu dân cư cũng thiếu trầm trọng.

“Trên địa bàn phường hiện nay không có nơi vui chơi cho trẻ em. Chúng tôi không biết bố trí ở đâu do quỹ đất không được cấp thêm”, bà Dung nói.

Tại phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), lãnh đạo UBND phường cho hay là nhiều năm qua con em của người dân trong phường phải đi học “nhờ” vì phường không có trường THCS, trường tiểu học công lập theo quy định!

Tuy nhiên, điều trớ trêu là mặc dù trẻ em thiếu nơi vui chơi nhưng theo phản ánh của UBND phường Thượng Đình, phường Ngã Tư Sở thì vẫn còn một số khu nhà đất thành phố giao cho doanh nghiệp nhưng bị sử dụng trái mục đích, bỏ hoang lãng phí. Điển hình là khu đất rộng tới 5000 m2 thành phố thu hồi đã nhiều năm tại 273 Tây Sơn đến nay vẫn bỏ hoang, cho thuê làm nơi rửa xe, lãng phí.

Dân số tăng nhanh còn gây áp lực không nhỏ cho các cơ quan chính quyền, nơi cung cấp các dịch vụ công. UBND phường Vĩnh Tuy cho rằng, việc dân cư tăng lên quá đông đã gây áp lực rất lớn đối với quản lý dân cư và giải quyết thủ tục hành chính ở cấp phường.

“Đây là vấn đề gây nhức nhối mà chính quyền và cử tri trên địa bàn kiến nghị cần thiết phải chia tách phường”, ông Nguyễn Anh Hào, Phó Chủ tịch MTTQ, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân phường Vĩnh Tuy kiến nghị. Vị cán bộ này phân tích, chỉ riêng các loại giấy tờ thủ tục hành chính như chứng thực, công chứng các văn bằng hay sổ đỏ thì người dân và cán bộ phường phụ trách cũng vô cùng vất vả; phải mất cả buổi, thậm chí cả ngày mới xong.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.