Hà Nội ban hành quy định mới về bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức với cán bộ

TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND ngày 11/9/2019 quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm...

Quy định nêu rõ về nguyên tắc thực hiện: cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phải xuất phát từ yêu cầu, vị trí việc làm, số lượng cấp phó theo quy định, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường của công chức, viên chức và tiêu chuẩn chức danh…

Căn cứ hướng dẫn của Thành ủy về công tác quy hoạch cán bộ và phân cấp của UBND thành phố về quản lý công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người quản lý doanh nghiệp, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng quy hoạch cán bộ theo từng giai đoạn; hằng năm rà soát, bổ sung quy hoạch gửi Sở Nội vụ để thẩm định, báo cáo Ban Cán sự đảng UBND thành phố phê duyệt.

UBND thành phố giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; tổng công ty, công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện quy định này.

Quyết định số 15/2019/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/9/2019, thay thế Quyết định số 43/2010/QĐ-UBND ngày 6/9/2010 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương ở các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Riêng về từ chức, Quyết định nêu rõ, cán bộ quản lý từ chức (xin thôi giữ chức vụ quản lý) được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp như tự nguyện chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý; nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình; có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.

Quyết định cũng nêu quy trình từ chức gồm: cán bộ quản lý có đơn trình bày lý do, nguyện vọng xin từ chức báo cáo cấp có thẩm quyền; sau khi tiếp nhận đơn, cấp có thẩm quyền gặp gỡ, trao đổi với cán bộ quản lý có nguyện vọng xin từ chức; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, thảo luận, tập hợp hồ sơ, tài liệu có liên quan và có văn bản báo cáo cấp ủy Đảng có thẩm quyền xem xét, quyết định; sau khi có thông báo kết luận của cấp ủy Đảng có thẩm quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ phân cấp quản lý cán bộ quản lý, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền (qua Sở Nội vụ) xem xét, quyết định.

MỚI - NÓNG