Hà Nam tạo sức bật và vị thế phát triển từ thu hút đầu tư FDI

Khu Công nghiệp Đồng Văn IV thu hút nhiều doanh nghiệp FDI
Khu Công nghiệp Đồng Văn IV thu hút nhiều doanh nghiệp FDI
TP - Ở thời điểm chia tách, tái lập tỉnh năm 1997, Hà Nam chỉ là vùng đồng chiêm trũng nghèo khó, không ít chính những cán bộ chủ chốt được cử về làm lãnh đạo tỉnh mới này còn thở dài ngao ngán. Nhưng qua hơn 20 năm, vùng đồng chiêm trũng giáp Thủ đô đã hoàn toàn lột xác. Một trong những đáp án của Hà Nam để vượt qua nghèo khó được xác định chính là thu hút đầu tư, trong đó trọng điểm là thu hút đầu tư FDI. 

Từ tỉnh vùng đồng chiêm trũng, số doanh nghiệp lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, hàng chục năm qua, Hà Nam vươn lên là tỉnh có kết quả thu hút doanh nghiệp FDI luôn đứng trong top 10 -15 của cả nước. Theo ông Trần Văn Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam thì từ cách đây gần 20 năm, khi đứng trước cơ ngơi nghèo nàn, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã “nhìn thẳng vào thực tế” là địa phương không có nguồn lực đáng kể nên phải lấy công tác thu hút đầu tư làm trọng tâm để phát triển.

Hà Nam tạo sức bật và vị thế phát triển từ thu hút đầu tư FDI ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị tọa đàm 
thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Nam- Nhật Bản

“Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, tỉnh tổ chức tới 8 chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, đối thoại, gặp gỡ trao đổi được tổ chức hằng năm tại các thị trường trọng điểm đã làm cho nhiều nhà đầu tư biết đến môi trường phát triển công nghiệp tại Hà Nam. Hiệu quả thấy rõ là từ năm 2016 đến nay, Hà Nam thu hút được tới 178 dự án FDI”, ông Kiên nói.

Tuy nhiên, điểm khác của thu hút đầu tư tại Hà Nam là thu hút có chọn lựa. Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: “Tỉnh chỉ đạo tập trung thu hút đầu tư, thu hút FDI nhưng không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà các dự án được lựa chọn phải có đầy đủ năng lực tài chính cũng như công nghệ phải tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo”.

Hà Nam tạo sức bật và vị thế phát triển từ thu hút đầu tư FDI ảnh 2 Một Khu Công nghiệp tại Hà Nam

Bằng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, các KCN đã thu hút được những dự án lớn từ quốc gia có nền công nghiệp phát triển và những tập đoàn lớn. Thống kê cho biết, từ năm 2016 đến tháng 8/2020, vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI tại Hà Nam ước đạt 1.487,4 triệu USD, tăng 117,8% so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2020, toàn tỉnh có 30 dự án FDI tổng vốn đầu tư đăng ký 501,4 triệu USD đăng ký đi vào hoạt động. Giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư luôn nằm trong tốp các địa phương dẫn đầu cả nước; lũy kế đến ngày 10/9/2020, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.011 dự án đầu tư còn hiệu lực với vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD và 134 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2018 có số lượng dự án FDI thu hút bằng 219% so với năm 2017. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2020, thu hút FDI của Hà Nam xếp thứ 3 toàn quốc.

Thực tế cũng đã chứng minh những dự án có hàm lượng công nghệ cao đã có đóng góp lớn cho Hà Nam về giá trị sản xuất và thu ngân sách. Đơn cử, Chi nhánh Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nam có tổng vốn đầu tư 158,8 triệu USD, suất đầu tư bình quân là 5,8 triệu USD/ha; Công ty TNHH Gemtek Việt Nam tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, suất đầu tư bình quân là 16,6 triệu USD/ha; Công ty TNHH Honda Lock Việt Nam tổng vốn đầu tư 21 triệu USD, suất đầu tư bình quân là 7,4 triệu USD/ha… Năm 2019, Chi nhánh Công ty Honda Việt Nam nộp ngân sách nhà nước 1.470 tỷ đồng, mức nộp bình quân là 51,4 tỷ đồng/ha; Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam nộp 237 tỷ đồng, mức nộp bình quân 40,8 tỷ đồng/ha. 

10 cam kết “vàng”  và quỹ đất sạch rộng mở

Hà Nam tạo sức bật và vị thế phát triển từ thu hút đầu tư FDI ảnh 3 Công ty Yokowo của Nhật Bản đầu tư tại Hà Nam Nhà máy sản xuất thiết bị liên lạc ô tô

Sau đầu tư, một trong những vấn đề mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng quan tâm, lo lắng là việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất. Nắm bắt rõ được vấn đề này, Hà Nam đã xây dựng 10 cam kết với nhà đầu tư gồm: Cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp; Bảo đảm hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; Giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật; Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân và các dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí; Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh; Thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhanh gọn; Bảo đảm an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; Bảo đảm không có đình công, bãi công; Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp.

Thực tế chứng minh, thắng lợi trong thu hút đầu tư nói chung, thu hút FDI nói riêng tại Hà Nam có nguyên nhân từ việc tỉnh này đã thực hiện nghiêm túc 10 cam kết nói trên, biến 10 cam kết này thành “nguyên tắc” trong đối xử với các nhà đầu tư. Đơn cử, năm 2017, tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp về tình trạng ngập úng KCN Đồng Văn do mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó là ông Nguyễn Xuân Đông đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng trạm bơm Bùi 1, Bùi 2 và Hoành Uyển; nạo vét các kênh mương phục vụ tiêu thoát nước. Đến nay, việc tiêu thoát nước tại KCN Đồng Văn đã được bảo đảm, không làm gián đoạn sản xuất của doanh nghiệp.

Một yếu tố khác cũng tạo sức hút lớn trong kêu gọi đầu tư tại Hà Nam chính là quỹ đất. Sau 2 thập kỷ miệt mài thu hút đầu tư, quỹ đất của Hà Nam đã hẹp đi đáng kể. Nhưng trước dự báo về “làn sóng” các doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn dịch chuyển về phía Nam, trong đó có Việt Nam, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng tại các KCN mới và KCN mở rộng. Hiện nay, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN: Thái Hà, Thanh Liêm và KCN hỗ trợ Đồng Văn III đang tập trung triển khai các bước để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mới có diện tích hàng chục nghìn ha. Bên cạnh đó cũng thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chi tiết KCN Đồng Văn I mở rộng về phía Đông, mở rộng KCN Châu Sơn; điều chỉnh quy hoạch KCN Thanh Liêm…

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.