Theo Find Markets Research, Mặt trời là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào đến mức không thể tưởng tượng được. Điều con người cần phải làm là khám phá những cách để khai thác tài nguyên này.
Trong tự nhiên, thực vật chính là “bậc thầy” của hoạt động này, từ đó tạo ra nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học nghiên cứu ra phương pháp mới hữu hiệu và an toàn khai thác năng lượng mặt trời.
Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Eindhoven ở Hà Lan đã nghiên cứu ra một loại lá nhân tạo, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn.
Với hình dạng giống lá cây bình thường, loại lá nhân tạo hấp thụ ánh sáng Mặt trời, rồi chuyển đổi năng lượng này thành một thứ hoàn toàn mới – có công dụng như thuốc dành cho con người.
Các chuyên gia đã tiến hành dự án lá nhân tạo này trong nhiều năm, lần đầu tiên giới thiệu về nó vào năm 2016. Thêm thời gian hoàn thiện, nhóm nghiên cứu tuyên bố, những lán lá giả đầy màu sắc có thể sản xuất ra gần như bất kỳ loại thuốc nào.
Về cấu tạo, bên trong những chiếc lá giả sẽ có hệ thống đường dẫn tương tự như gân lá tự nhiên. Khi ánh sáng Mặt trời chiếu vào chất lỏng chảy trong lá giả, phản ứng hoá học sẽ xảy ra. Thông thường, quá trình này đòi hỏi có năng lượng điện, hóa chất hoặc đồng thời có cả 2. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh được, năng lượng từ ánh sáng Mặt trời thực sự hiệu quả cho việc sản xuất thuốc.
Các nhà khoa học khẳng định, phương pháp này giải quyết được tình trạng khan hiếm thuốc dù ở những nơi điều kiện ít cho phép nhất. Người ta có thể sản xuất thuốc chống sốt rét ngay trong rừng mà không cần phải có lưới điện với hệ thống lá nhân tạo.
Trưởng nhóm nghiên cứu Timothy Noel cho biết, ông và các đồng nghiệp không gặp bất kỳ trở ngại nào để quan sát hoạt động của công nghệ mới này, ngoài trừ việc giới hạn thời gian làm việc vào ban ngày.
“Những chiếc lá nhân tạo hoàn toàn có thể nhân rộng, bởi chỉ cần nơi nào có ánh sáng Mặt trời là chúng có thể hoạt động được. Những chiếc máy mini này có thể thu gọn một cách đơn giản, không chiếm diện tích. Hơn thế, chi phí cùng hợp lý”, Noel nói.