> 2.000 lá thư tình thời chiến của một chiến sĩ Điện Biên
Chị em của cơ sở Trúc Quỳnh đang đóng gói sản phẩm để gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. |
Đây là năm thứ 2, những phụ nữ khuyết tật này tình nguyện đan mũ và áo len, gửi hơi ấm từ đất liền tặng lính đảo đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của tổ quốc. Năm ngoái họ gửi tặng 100 cái áo và 400 cái mũ, năm nay họ tiếp tục đan 200 cái áo và 300 cái mũ dự kiến gửi tặng lính đảo vào cuối tháng 12 này.
Gửi hơi ấm
Chị Vũ Thị Kim Hòa (bị khuyết tật ở chân), 48 tuổi, chủ cơ sở đan len Trúc Quỳnh bộc bạch: “Cuối năm, hàng hóa nhiều lại đang giai đoạn nước rút để đóng thùng gửi áo, mũ tặng anh em chiến sĩ Trường Sa nên bận không có giờ nghỉ.
Một số chị em còn ngủ lại cơ sở để làm cho kịp”. Tập tễnh bước đến cạnh đống áo mũ được xếp gọn gàng, chị Hòa tự hào khoe: “Những món quà này không chỉ được làm nên bằng đôi tay cần mẫn mà còn bằng cả trái tim nhiệt huyết, tràn đầy yêu thương của những người chị, người mẹ khuyết tật cơ sở đan len Trúc Quỳnh muốn gửi gắm đến những người em, người con trên đảo xa Trường Sa”.
Chị Thái Thị Phúc, tâm sự, người khuyết tật làm việc gì cũng khó nhưng với những chị em bị câm điếc để đan được cái áo, cái mũ đảm bảo yêu cầu chất lượng còn vất vả hơn nhiều.
Tay phải bị khều, mắc chứng co cứng cơ nhưng Hoàng Thị Mỹ Hạnh vẫn xung phong đăng ký đan 6 chiếc áo len. Với người bình thường để đan được một cái áo mất 3 ngày nhưng riêng Mỹ Hạnh phải mất tới 7 ngày. Suốt một tháng rưỡi trời, cứ sau giờ làm chính tại cơ sở, Hạnh lại hì hụi mang len về nhà thức đêm để đan áo cho các chú bộ đội. Hạnh kể, có lần thức trắng đêm mới đan được cái cổ áo, phấn khởi mang lên khoe với mọi người thì bị chị Hòa nhận xét chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, lại phải tháo ra làm lại.
Khác với năm ngoái, lần này, trong mỗi cái áo, chiếc mũ được kèm thêm một bức thư của chính người đan viết gửi gắm tâm sự vào đó. “Đó là những dòng chữ mộc mạc, chân thành, chỉ đơn giản là hỏi thăm sức khỏe, công việc của anh em lính đảo. Ngắn gọn thôi nhưng đó là tình cảm mà những phụ nữ khuyết tật như chúng tôi mong muốn được chia sẻ”, chị Hòa bộc bạch.
Mong một lần đến Trường Sa
Cơ sở đan len Trúc Quỳnh (trước đây là HTX đan len Hữu Hòa), được chị Vũ Thị Kim Hòa thành lập cách đây hơn 15 năm, nhằm tập hợp những chị em không may mắn bị khiếm khuyết một phần cơ thể vào làm việc để tự nuôi sống bản thân.
Năm 2010, khi biết tin tỉnh Lâm Đồng phát động phong trào hướng về Trường Sa thân yêu, chị Hòa đã về động viên chị em đan áo, mũ len gửi tặng lính đảo. Khi ý kiến của chị được đưa ra, tất cả chị em đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Để đảm bảo công việc tại cơ sở, các chị em đều thống nhất tranh thủ làm thêm ngoài.
“Năm đó, khi những món quà của chúng tôi trao đến tay anh em chiến sĩ ở đảo Đá Chìm, họ đã rất cảm động, xin phép trưởng đoàn công tác được nối máy điện thoại về trò chuyện, cảm ơn chị em chúng tôi”, chị Hòa kể lại. Chiến sĩ Lê Quang Minh, đảo Đá Thị là một trong những người khiến chị nhớ nhất.
Mặc vừa vặn chiếc áo của chị đan, Lê Quang Minh đã gọi điện về nói với chị trong nước mắt: “Những người như các chị lẽ ra phải được người khác chăm sóc, giờ các chị lại đi chăm sóc người khác. Những chiếc áo, chiếc mũ của các chị khiến anh em chúng tôi ấm áp hơn bất cứ trang phục nào”.
Mong ước lớn nhất của những chị em ở cơ sở đan len Trúc Quỳnh là một lần được đến Trường Sa để tận mắt chứng kiến cuộc sống của lính đảo, để xem họ mặc áo của mình đan có vừa không, có phù hợp không để còn biết cách chỉnh sửa.
Chị Hòa tâm sự :“Người khỏe mạnh bình thường ra Trường Sa còn vất vả huống gì những người khuyết tật như chúng tôi, sợ sẽ phải làm phiền người khác lắm”. Nói đoạn, rồi giọng chị trở nên rộn rã hơn: “Nói thế chứ, nếu có cơ hội được ra Trường Sa, chị em chúng tôi vẫn quyết tâm đi”.