> Tổng kết công tác bầu cử đại biểu QH, HĐND
Những yếu tố trên là cần, nhưng qua thực tế, cái cần hơn là đại biểu của dân phải luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt thực tiễn, bắt được nhịp đập của cuộc sống trên mọi lĩnh vực xã hội của người dân. Đất nước cần gì, xã hội cần gì, người dân cần gì, trong đó cái dân cần là yêu cầu số 1.
Tôi muốn nói như vậy vì qua hoạt động thực tiễn 15 năm (3 khóa) tuy là đại biểu kiêm nhiệm nhưng nghĩ rằng dân tin mình, giao trọng trách cho mình mà không làm được gì có ích cho dân thì là nỗi bất hạnh của dân vì đã nhầm giao sinh mệnh của mình, sinh mệnh quốc gia cho một kẻ hám danh, hám lợi, bất tâm, bất tài.
Vì thế nên trong nhiệm vụ Quốc phòng lúc này rất nóng bỏng nhưng tôi cố kết hợp một công đôi ba việc, tranh thủ ngày đêm học hỏi qua nhiều kênh: nghe dân nói, xem dân làm, nghe nhà khoa học, nhà trí thức, nhà chuyên môn, báo chí… chỗ nào học được cái gì là cố gắng tìm hiểu nên cũng đã góp được một phần tuy rất nhỏ trong trọng trách này, và tôi nghĩ nếu là một đại diện chuyên trách thì chắc có điều kiện để đóng góp nhiều hơn.
Mười lăm năm thay mặt dân nhưng làm được quá ít, còn nợ dân nhiều lắm, nên nay tuy đã nghỉ gần 10 năm nhưng thấy việc gì của nước, của dân thì tôi tích cực tham gia. Bác Hồ đã dạy như thế. Khi mà người đại biểu của dân làm gì cũng nghĩ đến dân, việc nước thực là việc dân, ăn nghĩ đến dân (nhất là tầng lớp dưới), lúc ngủ cũng nghĩ đến dân.
Hành động như vậy mới thực sự là người đại biểu chân chính của dân, thực sự vì dân. Nhân dân thường phàn nàn có những đại biểu khi ứng cử thì hứa nhiều nhưng suốt nhiệm kỳ không thấy đóng góp gì được cho dân.
Là đại biểu của dân mình phải quan tâm hơn 84 triệu dân, nhưng trong đó theo tôi đối tượng phải tập trung là: công nhân, nông dân nghèo, cận nghèo, bà con dân tộc, vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam… hiện đang chiếm số đông trong dân cư nhưng lại phải gánh chịu những thiệt thòi nhiều nhất trên mọi phương diện: vật chất, tinh thần, văn hóa, y tế, giáo dục... Vì theo nghị quyết của Đảng là phải đảm bảo an sinh xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh nhưng thực tế lại chưa được như vậy.
Chỉ tiêu GDP đầu người là cần nhưng nếu khoảng cách giữa giàu, nghèo quá xa thì con số đó không có ý nghĩa thực tế. Nếu khoảng cách đó ngày càng doãng ra thì chắc chắn sự cố kết giữa các tầng lớp ngày càng sa sút, nhất là trong tình trạng hiện nay một lớp người giàu lên quá nhanh mà sự chứng minh không có sức thuyết phục.
Một thực tế hiện nay trong số 500 đại biểu, chắc không có hoặc cá biệt đại biểu diện nghèo. Thực tế đó phản ảnh mặt tốt, thể hiện năng lực vươn lên của đại biểu nhưng cũng đề phòng ai đó lại xa rời tầng lớp dưới, xa gốc gác của mình rồi sinh quan liêu, cá nhân vụ lợi, tiêu cực tham nhũng.
Trong tình hình hiện nay, đấu tranh với nạn tham nhũng, lãng phí không dễ, vì lẽ ai chống ai (tham nhũng là nằm ngay trong bộ máy Đảng, Nhà nước, còn dân thường muốn tham nhũng cũng không có nơi), nhất là khi đã thành mắt xích trên dưới bằng các hình thức biến tướng.
Đó là cái khó, nhưng khó bao nhiêu cũng phải làm để bảo vệ lấy chế độ này. Muốn làm được người đại biểu phải có bản lĩnh chiến đấu kiên cường, vượt lên chính mình, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với tham nhũng. Nếu để tham nhũng lũng đoạn thì dần dần bộ máy nhà nước sẽ trở thành cái bình phong cho kẻ tham nhũng thao túng và nỗi khổ cuối cùng dồn lên đầu dân.
Chúc 500 đại biểu khóa 13 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để không phụ lòng tin và gửi gắm niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
(Đại biểu QH khóa 8,9,10)