Cảm ơn cuộc đời đã run rủi
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội là một trong số những nhà khoa học tôi tiếp xúc và làm việc từ những ngày mới vào nghề và cũng đã chứng kiến không ít lần ông “xù lông xù cánh”. Mới đây nhất chính là việc Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ.
GS Nguyễn Đình Đức (người mặc áo xanh) cùng các sinh viên |
Là người tham gia góp ý các lần dự thảo, GS Nguyễn Đình Đức cảm thấy sốc khi văn bản chính thức lại “hạ chuẩn” đào tạo tiến sĩ. Không nể nang hay chờ Bộ thanh minh, GS Đức “vỗ" thẳng: “So với Quy chế cũ, chuẩn đầu ra của Quy chế đào tạo tiến sĩ mới là bước thụt lùi quay trở về như quy chế tiến sĩ cách đây hơn 20 năm về trước”.
Rồi đến chuyện 30 điểm vẫn trượt ĐH, trong khi Bộ GD&ĐT ra sức giải thích các lý do thì ông chỉ nói ngắn gọn: 30 điểm trượt ĐH là bình thường. Bởi ông nhìn thẳng vào những con số, nhìn thẳng vào bản chất để đưa ra mệnh đề kết luận mà không cần phải vòng vo. Chuyện này cũng không phải lần đầu, hơn nữa, ngay tại trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, nơi ông trực tiếp quản lý về mặt đào tạo, điểm chuẩn năm 2020, 2021 có ngành 30 điểm.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp GS Nguyễn Đình Đức tại tòa nhà E3, ĐH Quốc gia Hà Nội. Khác với những phát ngôn gây sốc khiến thiên hạ rối bời, gay gắt tranh luận, ở đây ông hồ hởi nói về những học trò được ông “kèm” sát, bồi dưỡng từ khi còn học ĐH lên đến nghiên cứu sinh.
Đầu những năm 2010, tiến sĩ trong nước có bài báo quốc tế là một kỳ tích, còn học trò của GS Đức vừa chân ướt chân ráo từ ĐH tuyển thẳng lên làm nghiên cứu sinh đã có vài bài. GS tự hào lắm nên rối rít khoe như trẻ thơ nhận được quà mẹ về chợ.
Nhưng lúc đó, ĐH Quốc gia chưa có nhiều phòng lab, phòng thí nghiệm như bây giờ, ông đành khoe những bản vẽ mới nghiên cứu ra, khoe những chiếc máy tính được cho là hiện đại của ĐH Quốc gia Hà Nội nhưng dường như đã quá lạc hậu so với thế giới.
Nhìn GS Nguyễn Đình Đức như một bà mẹ xòe đôi cánh để khoe đàn con, đứa nào cũng như công, như phượng, nào là Hoàng Văn Tùng, Trần Quốc Quân, Phạm Hồng Công, Phạm Toàn Thắng, Vũ Thị Thùy Anh, Vũ Đình Luật, Nguyễn Trọng Đạo, Hoàng Văn Tắc, Vũ Đình Quang, Vũ Minh Anh, Phạm Đình Nguyện. Trong số này, tôi ấn tượng với Phạm Hồng Công, một tiến sĩ made in Việt Nam với 33 bài báo khoa học.
Nói về chặng đường đã gắn bó gần nửa thế kỷ với ngành giáo dục, đến nay cảm xúc của GS Nguyễn Đình Đức tuôn trào: “Cảm ơn cuộc đời đã run rủi để đến ngày hôm nay tôi trở thành nhà giáo, nhà khoa học; hạnh phúc và tự hào về điều đó”.
Đỗ đầu kỳ thi tuyển nghiên cứu sinh của Bộ ĐH (Bộ GD&ĐT ngày nay), GS Nguyễn Đình Đức được cử sang làm luận án tiến sĩ tại trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU). Tại đây, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc Luận án tiến sĩ toán lý về các tiêu chuẩn bền mới cho vật liệu composite khi mới 27 tuổi. Đây cũng là hạnh phúc lớn nhất mà ông nhận được khi đóng góp vào sự phát triển của khoa học và góp phần đưa trường phái vật liệu và kết cấu composite tiên tiến của Việt Nam đến cộng đồng khoa học quốc tế.
GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ đã dấn thân vào con đường khoa học, không ai nghĩ mục đích là để xếp hạng. Những kết quả đánh giá xếp hạng nhà khoa học của thế giới với cá nhân ông trong thời gian qua không phải là ngẫu nhiên hay gặp may, mà là sự ghi nhận khách quan những đóng góp và kết quả làm việc miệt mài và bền bỉ trong suốt gần 40 năm qua và nhóm nghiên cứu.
“Đằng sau mỗi thành công của nhà khoa học là cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo, nhiều khi phải chấp nhận cả thiệt thòi và hy sinh. Có thể khẳng định trong khoa học chân chính, không có thành công đích thực nào là đến một cách dễ dàng, không phải vượt qua khó khăn, thử thách”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ
Không thể mãi “liệu cơm gắp mắm”
Không quá băn khoăn về những gì đang được xã hội đặt ra liên quan đến bài báo khoa học, liên quan đến xếp hạng, GS Nguyễn Đình Đức luôn xác định mục tiêu của mình trong thời gian tới đó là hướng đến những người trẻ. Thế hệ ông sắp trở thành lịch sử để nhường chỗ cho thế hệ trẻ khẳng định bản thân. Thẳng tính, luôn quyết liệt đến cùng để bảo vệ quan điểm khoa khoa học, GS Nguyễn Đình Đức cho biết rất vui khi vừa qua ĐH Quốc gia Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ nghiên cứu sinh làm tiến sĩ.
GS Nguyễn Đình Đức cảm ơn những run rủi của cuộc đời đã đưa ông đến với nghề giáo, nhà nghiên cứu |
Với kinh nghiệm của người đi trước, GS Nguyễn Đình Đức cho rằng điều mà trí thức trẻ cần là môi trường làm việc, điều kiện nghiên cứu tốt, được tuyệt đối tin tưởng và trọng dụng. Mạnh dạn giao phó những việc lớn, việc khó để thử thách thì tuổi trẻ càng có điều kiện để cống hiến và phát huy. Nhưng khoảng trống mà người trẻ đang thiếu đó chính là sự bền bỉ và kiên trì.
Ngày nay, trí thức trẻ hầu như đều được đào tạo rất bài bản, rất năng động; nắm bắt và thích ứng nhanh với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật; dám nghĩ dám làm, có khả năng hội nhập cao, khát khao đổi mới và có đầy đủ kiến thức và sức trẻ; nhiệt huyết để cống hiến, sáng tạo và tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Lợi thế này những người thuộc thế hệ như GS Nguyễn Đình Đức không có được. Vì vậy, họ có nhiều thuận lợi hơn.
Để thúc đẩy giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, người thầy phải là tấm gương say mê khoa học. Người thầy phải dìu dắt, truyền cảm hứng và thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, đam mê sáng tạo cho các học trò. Rất nhiều đêm, các phòng lab của ĐH Quốc gia Hà Nội luôn sáng đèn khi nhóm học trò của GS Nguyễn Đình Đức đang trăn trở với những nghiên cứu, những phát hiện mới.
Nói thì vậy, nhưng GS Nguyễn Đình Đức cũng nhìn nhận khó khăn trước mắt đối với các nhà khoa học Việt Nam đó là kinh phí. Hiện nay, vẫn đang phải quen với cái khó “liệu cơm gắp mắm” khi làm nghiên cứu.
GS Nguyễn Đình Đức tin nếu được quan tâm đầu tư hơn, có cơ chế chính sách tốt, minh bạch và trọng dụng nhân tài, hội nhập với trình độ và chuẩn mực quốc tế, dám đi vào những lĩnh vực mũi nhọn, thì khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ cất cánh và sẽ thực sự sẽ trở thành động lực cho sự phát triển đột phá của đất nước.
“Tôi tin tưởng và mong các nhà khoa học trẻ tiếp nối thế hệ cha anh, luôn nỗ lực, cần cù bền bỉ, học hành siêng năng, nghiên cứu thực chất, rèn đức luyện tài, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn; có ý chí và dám đương đầu vượt qua những khó khăn thách thức; gắn học với hành, gắn nghiên cứu với thực tiễn và phải hội nhập được, sánh vai với các bạn bè đồng nghiệp quốc tế”, GS Nguyễn Đình Đức vừa nói vừa tràn đầy hy vọng.
GS Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021 ông lọt vào top 100.000 nhà nghiên cứu có chỉ số trích dẫn khoa học ảnh hưởng hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus. Năm 2021, theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, ông tiếp tục đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam, xếp hạng 5.949 thế giới, và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật.