Ươm mầm đam mê nghiên cứu khoa học

Học sinh THPT với sản phẩm nghiên cứu khoa học
Học sinh THPT với sản phẩm nghiên cứu khoa học
TP - Để giúp học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học (NCKH), nhiều trường đưa các em đến các trường đại học để trải nghiệm thực tế. 

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, trường phối hợp hỗ trợ 50 trường THPT xây dựng các CLB sáng tạo kỹ thuật NCKH và trang thiết bị cũng như giúp tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật như đua xe, đua thuyền bằng năng lượng mặt trời… Nhiều sở GD&ĐT nhờ trường tổ chức tư vấn giúp học sinh khi tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, như tại cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia năm 2020, đề án sinh viên của trường giành giải nhất, đồng thời, đề án của học sinh đến từ Sở GD&ĐT Đắk Lắk do trường hỗ trợ cũng giành giải nhất. Trước năm 2020, trường tổ chức trại hè NCKH cho học sinh THPT.

Mỗi trường đề cử 1 học sinh đam mê nghiên cứu nhất. Khoảng 30 em đến từ các trường khu vực phía Nam được mời về ở ký túc xá như sinh viên và được hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt trong 2 tuần. Học sinh hằng ngày đến trường  học cùng với sinh viên từ những khái niệm đầu tiên của lập trình đến xây dựng ý tưởng NCKH. Sau 2 tuần, trường trao giải cho các ý tưởng;học sinh mang các ý tưởng này về trường THPT để triển khai tiếp.  “Mục đích của hoạt động này là ươm mầm đam mê NCKH cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông”, PGS. Dũng nói.

Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) đưa học sinh đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế. Các em được tiếp cận thiết bị nghiên cứu, không gian thí nghiệm tiên tiến, bổ sung kiến thức khoa học mới mẻ, mang tính thực tiễn. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên đại học, học sinh được theo dõi trực tiếp các thí nghiệm hóa sinh về nuôi cấy vi khuẩn, tách ADN,  bảo quản gien… Cách tạo ra các giống cây có kích thước, sản lượng, chất lượng phù hợp điều kiện môi trường, nhu cầu của con người trên cơ sở nghiên cứu điều kiện nuôi trồng, chăm sóc mô tế bào… khiến học sinh rất thích thú.

Tạo kết nối giữa trường phổ thông và đại học

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi, cho hay, nhiều năm trở lại đây, giảng viên ngành Kỹ thuật Hóa học, khoa Hóa và Môi trường đồng hành với các trường THCS, THPT trong hướng dẫn NCKH.Dưới sự hướng dẫn của giảng viên nhà trường, đề tài “Nghiên cứu sử dụng tổ hợp các chất hoạt động bề mặt và đánh giá khả năng tăng thu hồi dầu” của nhóm học sinh Trần Thu Thủy -lớp 11A1, trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) và Vương Ngọc Bảo Linh -lớp 9G, trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) thực hiện tại phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học - trường ĐH Thủy lợi đã giành giải Ba tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông thành phố Hà Nội năm học 2019 - 2020.Đề tài “Nghiên cứu sử dụng vật liệu nano SiO2 điều chế từ tro trấu để xử lý nước thải” được thực hiện tại phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Hóa học -trường ĐH Thủy lợi đã giành giải Nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Tác giả đề tài là Trần Thiện Vũ -học sinh lớp 10 chuyên Hóa trường THPT Chuyên Bắc Giang

GS. Việt nói: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận và khuyến khích các trường phổ thông đến để các nhà khoa học của trường chia sẻ, hỗ trợ học sinh làm quen với các hoạt động nghiên cứu. Giáo dục phổ thông và các trường đại học có mối liên hệ hữu cơ, khi chất lượng giáo dục phổ thông tốt thì nguồn tuyển cho giáo dục ĐH càng chất lượng”. Trường hỗ trợ bằng cách các giảng viên cùng học sinh THPT nêu ý tưởng; phòng thí nghiệm tạo điều kiện tối đa cho học sinh. “Hoạt động này tạo sợi dây kết nối giữa trường và học sinh THPT. Gieo mầm tương lai để tìm kiếm, phát hiện tài năng”, ông nói.

Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Thái Nguyên đã chuyển giao giáo dục STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học) cho các trường phổ thông. Nhờ đó, hoạt động NCKH ở các trường phổ thông này đã phát triển và có những kết quả đáng kể.

MỚI - NÓNG