Bài 1: Mở ngành học khi không có tiến sĩ
Ngày 24/8/2021, sau khi tiếp nhận đơn của tập thể cán bộ, nhân viên, viên chức Học viện Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BGDĐT về việc thanh tra đột xuất Học viện.
Nội dung thanh tra gồm công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; triển khai các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại Kết luận Thanh tra được ban hành ngày 26/1, đối với nội dung đào tạo, bồi dưỡng, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại Học viện Quản lý giáo dục; căn cứ báo cáo và hồ sơ, tài liệu minh chứng thu nhận được cung cấp, cho thấy năm 2019 và 2020 Học viện chưa thực hiện xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Năm 2020, Học viện tuyển sinh vượt 132 chỉ tiêu trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Anh.
Từ năm 2020 đến nay, không thực hiện cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định. Từ năm 2018 đến tháng 9/2021, Học viện không ban hành quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học; không tổ chức lựa chọn và duyệt giáo trình theo quy định; có 2/4 giáo trình đã quá thời hạn nghiệm thu nhưng không được lãnh đạo Học viện đôn đốc, nhắc nhở.
Học viện không báo cáo về việc phối hợp đặt lớp đào tạo trình độ đại học đối với các đơn vị là trường ĐH Mở Hà Nội, trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên.
Với sai phạm này, Thanh tra Bộ cho biết trách nhiệm liên quan đến các thiếu sót, sai phạm về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ đại học được nêu trên thuộc về Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn Hóa hợp tác quốc tế, các cá nhân có liên quan và lãnh đạo của Học viện trực tiếp phụ trách các đơn vị, cá nhân nêu trên.
Về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, kết luận Thanh tra cho thấy Học viện chưa kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2021 theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ GD&ĐT đối với hành vi tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2020 vượt chỉ tiêu.
Năm 2018 và 2019, Học viện không biên soạn giáo trình của trình độ thạc sĩ.
Thành lập hội đồng đánh giá luận văn chưa bảo đảm quy định của Bộ GD&ĐT.
Từ năm 2018 đến tháng 12/2019, Học viện không ban hành quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ; không thực hiện rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định.
Trách nhiệm liên quan đến các thiếu sót, sai phạm về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được nêu trên thuộc về Trưởng phòng Sau đại học, các cá nhân có liên quan và Lãnh đạo của học viện trực tiếp phụ trách đơn vị, cá nhân nêu trên.
Mở ngành khi chưa đảm bảo đủ điều kiện
Đối với các điều kiện bảo đảm ngành và duy trì ngành đào tạo; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ đại học lưu trữ chưa khoa học, chưa đầy đủ. Giảng viên có văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa thực hiện công nhận văn bằng.
Học viện mở ngành Quản trị văn phòng khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu (thiếu 1 giảng viên), không có tiến sĩ cùng ngành, có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành Luật, không bảo đảm theo quy định.
Mở ngành Luật khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu (thiếu 2 giảng viên), có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành Quản trị văn phòng, không bảo đảm theo quy định.
Ngành Công nghệ thông tin đào tạo trình độ đại học của Học viện chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ bảo đảm điều kiện duy trì ngành theo quy định.
Bên cạnh đó, ngành Công nghệ thông tin và Tâm lý học lâm sàng đào tạo trình độ thạc sĩ chưa đáp ứng điều kiện duy trì ngành theo quy định.
Mặt khác, Thanh tra cũng chỉ ra rằng Học viện chưa có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài cũng như trong nước theo quy định của Bộ; không triển khai nội dung cải tiến chất lượng và đánh giá giữa chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học ban hành.
Trách nhiệm liên quan đến các thiếu sót, sai phạm về các điều kiện bảo đảm ngành, duy trì ngành, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trên thuộc về Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trưởng phòng Sau đại học, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục, các cá nhân có liên quan và lãnh đạo Học viện trực tiếp phụ trách các đơn vị, cá nhân nêu trên.
Không hủy phôi bằng tồn
Một vấn đề nữa được Thanh tra đưa ra tại nội dung này là công tác in, quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Theo đó, Học viện không kịp thời ban hành Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ. Không báo cáo về việc lưu trữ, hủy bỏ số phôi tồn của trình độ đại học được mua từ Bộ GD&ĐT trong giai đoạn trước năm 2019; không thực hiện hủy văn bằng hỏng trình độ đại học.
Học viện cũng không thực hiện hủy phôi tồn chứng chỉ từ năm 2018, 2019; Sổ gốc cấp chứng chỉ không đúng mẫu quy định; cho học viên ký nhận thay chứng chỉ khi không có ủy quyền; có nhiều chữ ký nhận chứng chỉ không ghi rõ họ tên.
Không có sổ gốc cấp chứng chỉ của các chương trình bồi dưỡng theo quy định; cho học viên ký nhận thay chứng chỉ khi không có ủy quyền; Hồ sơ quản lý phôi của 4/27 chương trình bồi dưỡng chưa đúng quy định
Lưu trữ hồ sơ chưa đầy đủ; không tiến hành cập nhật, chỉnh sửa tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra; không báo cáo Bộ GD&ĐT về công tác bồi dưỡng theo quy định; chưa kịp thời cập nhật, chỉnh sửa tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định hiện hành;
Tổ chức thực hiện bồi dưỡng 2 chương trình (Bồi dưỡng kỹ năng sống và kỹ năng mềm) không có trong số lượng thống kê 27 chương trình bồi dưỡng theo báo cáo của Học viện gửi Đoàn Thanh tra; không thực hiện biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng.
Tổ chức biên soạn 2 tài liệu bồi dưỡng (Bồi dưỡng năng lực tư vấn học đường và Phát triển năng lực quản trị trường phổ thông) nhưng không được sử dụng giảng dạy trong số lượng thống kê 27 chương trình bồi dưỡng theo báo cáo của Học viện; hồ sơ biên soạn lưu trữ không đầy đủ; tên tác giả tại tài liệu xuất bản không đúng với quyết định thành lập Ban Biên soạn tài liệu.
Trách nhiệm liên quan đến các thiếu sót, sai phạm về công tác bồi dưỡng và biên soạn tài liệu bồi dưỡng được nêu trên thuộc về Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nhà giáo và Cán bộ Quản lý, Trưởng khoa Giáo dục (Trung tâm Tham vấn học đường), Viện trưởng viện nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục, Trưởng Tiểu ban chuyên môn thực hiện nhiệm vụ Chương trình ETEP năm 2019, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cá nhân có liên quan và lãnh đạo của Học viện trực tiếp phụ trách các đơn vị, cá nhân nêu trên.