Băn khoăn năng lực thẩm định bài báo khoa học của ứng viên GS, PGS 2021

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ hồ sơ khoa học của các ứng viên xét công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2021, một số chuyên gia cho rằng năng lực thẩm định bài báo khoa học của Hội đồng GS cơ sở, Hội đồng GS ngành/liên ngành thực sự có vấn đề.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong hồ sơ khoa học của một số ứng viên ngành Tâm lý, Giáo dục, Triết học - Xã hội học và Chính trị có một điểm chung là đăng bài trên cùng một tạp chí Psychology and Education (ISSN: 0033 - 3077) năm 2021. Như Tiền Phong đã phản ánh, tạp chí này đã ra khỏi hệ thống của Scopus năm 2019.

Băn khoăn năng lực thẩm định bài báo khoa học của ứng viên GS, PGS 2021 ảnh 1

Không phải Hội đồng GS ngành/liên ngành hay Hội đồng GS cơ sở nào cũng đủ năng lực để thẩm định các bài báo quốc tế

Là người trực tiếp thẩm định lại hồ sơ của 16 ứng viên hai ngành Y, Dược năm 2020, GS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, nhận định, năng lực thẩm định bài báo khoa học của một số Hội đồng GS từ cơ sở đến ngành/liên ngành có vấn đề. “Tôi cho rằng, ở đây không có chuyện nể nang hay sợ “đụng chạm”. Vì nếu có, chỉ xảy ra ở một vài cá nhân trong hội đồng, không thể diễn ra ở tất cả các thành viên trong hội đồng cơ sở hay hội đồng ngành”, GS Châu nói.

Ở cấp cơ sở có thể còn có chuyện nọ chuyện kia nhưng lên đến cấp Hội đồng GS ngành/liên ngành, theo GS Châu, không phải hội đồng nào cũng “chất”. Ông đánh giá cao Hội đồng GS khối ngành Khoa học Tự nhiên, hoặc các hội đồng mà chủ tịch là những người đến từ Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam hay ĐH Quốc gia. Với đa số các hội đồng khác, GS Châu cho rằng các thành viên thường không có khái niệm khẳng định các công bố mà họ tin cảm tính bằng biểu quyết giơ tay

Bản thân GS Châu đã có trải nghiệm thực tế năm 2020. Đó còn chưa nói đến thực trạng các tạp chí quốc tế lúc ẩn lúc hiện, lúc có lúc không trong bảng xếp hạng. Vì các tạp chí kém chất lượng có thể sẽ bị bật ra khỏi hệ thống của Scopus hay ISI. Những năm qua, cũng chính vì năng lực thẩm định tạp chí của các hội đồng chưa tốt nên năm nào cũng có những băn khoăn.

GS Châu cho rằng, đáng lẽ Hội đồng GS Nhà nước phải có tập huấn cách thẩm định một bài báo khoa học quốc tế cho các Hội đồng GS. Theo ông, hiện có hai hệ thống có thể tra được tạp chí đó có chất lượng hay không là hệ thống Scimagojr để tra các tạp chí của Scopus hoặc Clarivate để tra các tạp chí của ISI. Không chỉ là trách nhiệm của Hội đồng GS mà cả ứng viên nếu bản thân cứ liều làm, thiếu hiểu biết thì sẽ bị ảnh hưởng danh tiếng.

Cẩn thận với các tạp chí phi pháp

Về “ma trận” tạp chí quốc tế hiện nay, TS Hoàng Xuân Trung, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói rằng, danh mục ISI hoặc Scopus cũng chỉ là một lưới lọc có tính tương đối, nên vẫn để lọt những tạp chí không đảm bảo chất lượng. Điều này là do gần đây trên thế giới xuất hiện các nhà xuất bản (NXB) và tạp chí rởm (predatory) đồng thời với xu hướng xuất bản mở. Theo TS Trung, việc xuất hiện các NXB và tạp chí rởm là một thực tế hết sức đáng lo ngại và đã được nhiều cơ quan, trường đại học cũng như cá nhân các nhà khoa học cảnh báo.

Từ năm 2019, khi Quyết định 37 về xét công nhận chức danh GS, PGS của Chính phủ đi vào thực tế, việc hồ sơ khoa học của ứng viên được công khai trên website của Hội đồng GS Nhà nước đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Từ đó đến nay, mùa xét duyệt nào cũng có ý kiến liên quan bài báo khoa học quốc tế.

“Xin lưu ý, trong các ngành khoa học nói chung và ngành kinh tế nói riêng, thông thường phải mất từ nửa năm tới một năm mới có thể bình duyệt và đăng bài. Do đó, những tạp chí mở thu phí rất cao nhưng bình duyệt một cách quá nhanh chóng có thể coi như máy hút tiền của các tác giả muốn đăng bài báo”, TS Trung nói.

Một chỉ dấu khác có thể nói lên chất lượng của tạp chí, theo TS Trung, là việc các tổng biên tập đăng bài báo của mình tại tạp chí mình làm biên tập một cách tràn lan. Thông thường, khi một nhà khoa học chịu trách nhiệm là tổng biên tập của một tạp chí nào đó, họ sẽ hạn chế việc đăng công trình của mình tại tạp chí đó, do vấn đề đạo đức và mâu thuẫn lợi ích. Một đặc điểm nổi bật nữa của các tạp chí rởm là việc thu phí xuất bản. Phí chấp nhận đăng bài khá cao, dao động từ 20 - 40 triệu đồng, thậm chí lên đến 60 triệu đồng.

“Cần lưu ý rằng “phí xử lý đăng bài” ở trên khác với phí nộp bài mà nhiều tạp chí uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội vẫn thu. Phí nộp bài không ảnh hưởng tới quyết định bài có được đăng hay không, và sẽ thường được nhiều tạp chí hàng đầu trên thế giới yêu cầu tác giả phải nộp phí gửi bài (mức giá khoảng 2 triệu đồng) nhằm giảm bớt những bài gửi đến có chất lượng thấp, từ đó đỡ tốn nguồn lực cho việc thẩm định bài viết”, TS Trung nói.

MỚI - NÓNG