GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Nhiều sinh viên học không biết để làm gì'

GS Nguyễn Minh Thuyết: "40% học sinh Nghệ An không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cho thấy các em bắt đầu có sự tỉnh ngộ rồi". Ảnh: N.H.
GS Nguyễn Minh Thuyết: "40% học sinh Nghệ An không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cho thấy các em bắt đầu có sự tỉnh ngộ rồi". Ảnh: N.H.
Khẳng định tình trạng liên thông ngược gây lãng phí lớn cho xã hội, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng cho rằng học sinh cần xác định mục đích học đại học để làm gì, nhà nước cần phân luồng đào tạo và xem xét lại quy mô tuyển sinh hiện nay.

- Ông nghĩ gì trước con số 192.500 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp và nhiều người trong số đó phải liên thông ngược trung cấp mong kiếm được việc làm?

- Đào tạo đại học mà phải liên thông ngược xuống trung cấp rõ ràng là sự lãng phí. Nếu ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông, thậm chí tốt nghiệp trung học cơ sở mà những thanh niên này đi học nghề thì sẽ không lãng phí tiền bạc, mất 3 hoặc 7 năm học và mất cơ hội tìm kiếm việc làm. Nhiều học sinh cũng nên nhìn vào thực tế này mà tính toán xem sau khi tốt nghiệp phổ thông thì nên đi theo con đường nào phù hợp với năng lực, điều kiện của mình.

Con số thất nghiệp trên cho thấy quy mô giáo dục đại học của Việt Nam phát triển không hợp lý, không phù hợp với nhu cầu thị trường. Năm 2004 trên nghị trường Quốc hội, tôi đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng thừa cử nhân nhưng không mấy người chú ý. Thời điểm đó, các trường đại học đào tạo khoảng 200.000 sinh viên mỗi năm nhưng thị trường lao động chỉ cần khoảng 20.000-30.000 cử nhân mỗi năm thôi. Bây giờ, chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học hàng năm lên đến 600.000 sinh viên. Chỉ có vài chục nghìn trong số đó ra trường được bố trí việc làm thì thất nghiệp nhiều, liên thông ngược là đúng thôi.

Tình trạng này cũng phản ánh cơ cấu không hợp lý và sự phát triển có hạn của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, chúng ta chủ yếu phát triển kỹ nghệ gia công lắp ráp cho nước ngoài, khai thác xuất khẩu khoáng sản thô, chuyển nhượng đất đai, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... Kinh tế chỉ có thế thì người học đại học ra thất nghiệp nhiều là đúng, bởi các ngành khác có phát triển được đâu. Không phải chỉ những người tốt nghiệp đại học mới thất nghiệp mà hàng trăm nghìn thanh niên trong độ tuổi lao động cũng đang thất nghiệp.

- Theo giáo sư, tại sao nhiều sinh viên Việt Nam lại khó hòa nhập được với thị trường lao động khi ra trường?

- Không biết có chủ quan không nhưng tôi cho rằng nhiều học sinh, sinh viên không biết học để làm gì, chỉ đi học theo thói quen, xong cấp này thì tiếp cấp kia và cố gắng để có bảng điểm đẹp khi ra trường. Chính vì không xác định được mục tiêu học tập là học để có nghề nghiệp, tự nuôi sống mình, nuôi sống gia đình và đóng góp cho sự phát triển của xã hội nên trong quá trình học không chủ động tích lũy kiến thức, học ngoại ngữ, kỹ năng cần thiết cho công việc sau này. Khi ra trường, họ lơ mơ về công việc, không tìm được việc làm, cũng không đủ bản lĩnh để khởi nghiệp.

- Thất nghiệp, liên thông ngược dường như trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng vì sao vẫn chưa giải quyết được?

- Có mấy lý do, trước hết là dự báo về nhu cầu nhân lực gần như là không làm. Nếu có dự báo thì việc đào tạo sẽ sát với nhu cầu thực tế. Ví dụ, chỉ nói ngành sự phạm, chúng ta chắc chắn biết rõ hiện nay có bao nhiêu trường, lớp, bao nhiêu giáo viên bộ môn, bao nhiêu học sinh ở từng cấp và mỗi năm có thêm bao nhiêu trẻ em ra đời. Có thể tính toán chính xác mỗi năm cần đào tạo thêm bao nhiêu giáo viên và bố trí ở đâu. Nếu dự báo tốt thì đào tạo xong bố trí việc làm cũng dễ. Nhưng chúng ta đang thả nổi việc đào tạo, không có dự báo mà nếu có thì dự báo ấy cũng không mấy khi chính xác.

Trong những năm qua, giáo dục đại học đã trở thành lĩnh vực kinh doanh dễ có lãi, thu vốn nhanh nên được mở ào ạt. Trường mở cứ mở, người học cứ học, chẳng ai để ý đến những lời cảnh báo. Nhà nước thì coi việc nâng tỷ lệ sinh viên và số năm đi học bình quân là thành tích để nâng thứ hạng của Việt Nam về chỉ số phát triển con người, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chỉ quan tâm duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường tương xứng với điều kiện đào tạo (số lượng và cơ cấu giảng viên, số lượng và diện tích sàn phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị,,..). Ít người, ít cơ quan quan tâm xem đào tạo nhiều như vậy thì sắp xếp công ăn việc làm thế nào. Tôi chỉ lấy ví dụ, cả nước hiện có trên 10 cơ sở đào tạo (học viện, trường đại học khoa học, đại học sư phạm) có ngành Triết học - Chính trị. Mỗi cơ sở một năm tuyển ít nhất 100 sinh viên ngành này. Tính ra mỗi năm trên dưới 1.000 nghìn cử nhân Triết học - Chính trị ra trường thì bố trí vào đâu?

GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Nhiều sinh viên học không biết để làm gì' ảnh 1

Xét theo chuyên môn, người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp nhiều nhất. Đồ họa: Tiến Thành - Hoàng Phương.

- Để hạn chế tình trạng trên thì phải hướng trọng tâm thay đổi vào đâu, thưa ông?

- Phải xem lại nguyên nhân, hạn chế ở đâu để có giải pháp khắc phục. Thanh niên phải xác định lại mục đích học đại học để làm gì, không thể cứ "tiến lên hàng đầu rồi không biết đi đâu". Phải xác định năng lực của mình thế nào, thị trường lao động ra sao, học gì để dễ kiếm được việc làm, lúc đi học thì phải rèn luyện ra làm sao. Nhà nước phải có chính sách nhân lực đúng. Nếu cứ để diễn ra tình trạng "nhất hậu duệ, nhì tiền tệ" mãi thì sinh viên lấy đâu động lực học tập? Cuối cùng, phải phát triển kinh tế như thế nào để tạo thị trường lao động.

Phía Bộ Giáo dục cần thực hiện phân luồng đào tạo cho tốt. Nhiều cơ quan, nhiều người Việt Nam hay nói một đằng, làm một nẻo. Nhà nước chủ trương phân luồng học sinh ngay sau trung học cơ sở, nhưng Sở Giáo dục các tỉnh lại tham mưu cho UBND tỉnh cho thành lập một loạt trường trung học phổ thông tư thục để đón những học sinh không vào được trường công lập. Học hết trung học phổ thông, đáng lẽ phải phân luồng lần nữa thì Bộ Giáo dục lại tham mưu cho Chính phủ thành lập hàng trăm trường đại học, cao đẳng mới trong có vài năm thì ai vào trung cấp nghề? Như thế là tay phải bó tay trái, tự mình phá mình.

Cho đến nay, dự thảo Hệ thống giáo dục quốc dân mà Bộ Giáo dục trình Thủ tướng phê duyệt vẫn chưa đưa ra được giải pháp phân luồng; cấp trung học phổ thông thực chất chỉ phân ban cho phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đại học.

Nhìn ra nước ngoài, tôi lấy ví dụ Đức thực hiện phân luồng rất tốt. Tiểu học học 6 năm, hết tiểu học là bắt đầu phân luồng. Cấp trung học tổ chức 3 loại trường: trung học 6 năm dành cho học sinh top đầu, học xong có thể thi vào hoặc được tuyển thẳng vào đại học; trường trung học 5 năm dành cho học sinh top giữa, tốt nghiệp đi học cao đẳng nghề; trường trung học 4 năm cho học sinh top dưới, học xong có thể vào trung cấp nghề. Họ phân luồng rất rõ chứ không có chuyện "nghênh ngang kéo nhau lên hết đại học rồi lại vòng về trung cấp" như ở mình.

Người ta làm được sao mình không học? Đó là vì mình không chịu thay đổi, vẫn giữ tư duy cũ. Về phía người học, gần đây cũng có những tín hiệu thay đổi. Chẳng hạn 40% học sinh Nghệ An không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cho thấy các em đã có sự "tỉnh ngộ" rồi đấy.

Tháng 12/2015, theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), trong khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông thì có tới 90% chọn thi vào đại học, cao đẳng, còn lại 10% đăng ký đi học nghề. Trên thực tế, khoảng 60% học sinh đỗ chính thức vào các trường đại học, số còn lại vào các trường đại học tư thục và cao đẳng. Từ 2011-2015, kết quả tuyển sinh học nghề tăng 18% so với giai đoạn trước nhưng vẫn chưa như mong đợi do quy mô tuyển sinh đại học tăng quá nhanh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG