GS Nguyễn Minh Thuyết: Đề xuất loại ‘Chí Phèo’ khỏi SKG là non nớt

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Mạnh Thắng.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Mạnh Thắng.
GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định đề xuất loại truyện ngắn "Chí Phèo" khỏi chương trình sách giáo khoa thể hiện góc nhìn thô sơ, không đọc kỹ tác phẩm.

Những ngày gần đây, dư luận tranh luận về đề xuất cải tiến của nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Song Hiền (Australia) về việc loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.

Ở chương trình mới, 'Chí Phèo' thuộc phần gợi ý

Chia sẻ trên VTC1, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho rằng bài viết của tác giả Nguyễn Sóng Hiền còn khá non nớt và dung tục.

Là kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, truyện ngắn Chí Phèo xứng đáng được tồn tại bên bất kỳ tác phẩm nào so với giai đoạn trước và sau nó.

'Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Sóng Hiền chỉ thấy Chí Phèo là trường hợp cá biệt, giết người, cưỡng hiếp. Đó là cách nhìn thô sơ, không đọc kỹ và không hiểu tác phẩm. Có thể nói, tác giả xây dựng tác phẩm rất có ý nghĩa nhân đạo', GS Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin theo dự thảo của chương trình giáo dục phổ thông mới, Chí Phèo không thuộc một trong 6 tác phẩm bắt buộc phải học mà thuộc gợi ý của chương trình.

Nhiều giáo viên phản đối

Nói về đề xuất của tác giả Nguyễn Sóng Hiền, TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - nêu quan điểm, tiến bộ trong văn học có khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Những thành tựu của khoa học thời kỳ trước sẽ trở nên lạc hậu và có thể bị đào thải bởi sự xuất hiện thành tựu khoa học thời kỳ sau ưu việt hơn.

Riêng văn học nghệ thuật, tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng. Những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp.

Trước quan điểm của tác giả Nguyễn Sóng Hiền cho rằng mối quan hệ của Chí Phèo và Thị Nở là hành động 'cưỡng bức, cần lên án, vi phạm pháp luật', TS Trịnh Thu Tuyết nói suy nghĩ này không liên quan văn chương mà na ná lời tuyên án của công tố viên, vì không ai cảm văn, đọc văn theo cách đó.

Phải đặt vào tác phẩm mới thấy tình thương yêu mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã đánh thức phần người, phần lương thiện vẫn còn sót lại đâu đó trong con quỷ dữ làng Vũ Đại.

Tình người của Thị Nở đã trả lại tính người cho Chí Phèo. Hắn ý thức sâu sắc về kẻ thù, về sự cô độc, về những điều hắn đã bị tước đoạt, về con đường hoàn lương. Hắn đã biết nói những lời yêu thương thay vì tiếng chửi, biết 'cố uống cho thật ít để đỡ tốn tiền và nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau'. Một mối quan hệ như thế, sao nỡ phủ nhận?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đề xuất loại ‘Chí Phèo’ khỏi SKG là non nớt ảnh 1

TS Văn học Trịnh Thu Tuyết - giáo viên trường THPT Chu Văn An. Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Là kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945, tôi tin truyện ngắn Chí Phèo luôn xứng đáng tồn tại bên cạnh bất kỳ tác phẩm nào trong các giai đoạn trước và sau nó. Quan điểm của tôi là phải giới thiệu cho học sinh bản hoàn chỉnh của truyện ngắn, không lược bỏ, cắt xén, bởi giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm chỉ được cảm nhận đúng đắn trong chỉnh thể”, TS Tuyết bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến này, TS văn học Phạm Hữu Cường cho rằng cần phải giữ lại tác phẩm của Nam Cao trong chương trình. Giáo viên giảng như thế nào để học sinh hiểu đúng tác phẩm, bởi trước đó, nó từng bị hiểu sai nhiều lần chứ không phải chỉ bây giờ. Dù như thế nào, tác phẩm này vẫn mang những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

TS Phạm Hữu Cường phân tích nếu tác giả Sóng Hiền nhìn nhận việc Chí Phèo cưỡng bức Thị Nở ở vườn chuối là lưu manh, đó là phát biểu dung tục hóa, quy chụp khi mang quan điểm hiện đại áp đặt với ngày xưa, xã hội áp dụng với văn học.

“Quan điểm này không khác gì trước kia có ý kiến cho rằng tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) là dung tục. Tuy nhiên, điều tác giả muốn nói không phải chuyện Thúy Kiều ở lầu xanh mà là cảm hứng trân trọng tài năng, nhan sắc và thương cảm cho con người”, TS Cường phân tích.

Chí Phèo có phẩm chất tốt đẹp trước khi ở tù, bị lưu manh hóa nhưng khát khao lương thiện vẫn thể hiện rõ ở hình ảnh bát cháo hành và câu nói: “Ai cho tao lương thiện?”. Cảm hứng của Nam Cao là sự trân trọng con người đã bị tàn phá cả linh hồn và thể xác.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG