Góp ý để Thủ đô phát triển xứng tầm

Hà Nội phát triển các khu đô thị mới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hà Nội phát triển các khu đô thị mới. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trong những ngày cả nước hướng về kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, thành phố Hà Nội đã tổ chức một hoạt động giàu ý nghĩa - Hội thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp cho sự phát triển tương lai của thành phố…

Cơ hội và thách thức lớn

Phát biểu tại Hội thảo “Thủ đô Hà Nội: truyền thống, nguồn lực và định hướng phát triển”, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, 70 năm trôi qua, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử vô cùng đặc biệt với cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng. Đây là chiến công hiển hách, tô điểm cho lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đưa nhân dân Việt Nam bước vào thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho Đảng bộ và chính quyền thành phố nhiều bài học quý giá. Cũng theo bà Hằng, bên cạnh các cơ hội lớn, Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức đặt ra.

“Hội thảo làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm về sự phát triển của thành phố trong 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục các khó khăn, thách thức và phát huy những giá trị, điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, thành phố sẽ nghiên cứu, bổ sung vào Văn kiện Đại hội lần thứ 16 Đảng bộ thành phố”.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy

Về quy hoạch, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, thành phố đang đứng trước tốc độ tăng dân số mạnh, nhất là tăng dân số cơ học song các giải pháp đưa ra để hạn chế chưa mấy hiệu quả. Sự khớp nối, nhất là về hạ tầng giữa các khu đô thị mới và khu dân cư cũ, nông thôn còn hạn chế. Ông Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia lưu ý, thành phố cần quán triệt sâu sắc yêu cầu phát triển bền vững. Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là một nguồn lực to lớn cho phát triển bền vững. Thành phố cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, khi quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh như hiện nay thì áp lực với bộ máy hành chính cũng rất lớn.

Cải cách hành chính

TS Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, cách mạng nước ta đã bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Do vậy cần thực hiện tốt chức năng của nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường; hoàn thiện bộ máy nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để nhân dân giám sát các công việc liên quan đến ngân sách, tài sản nhà nước.

Trong chỉ đạo điều hành các cấp ủy đảng, chính quyền cần vào cuộc với tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo, kiên quyết, đồng bộ; tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức của Đảng bộ.

MỚI - NÓNG